TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Tọa đàm “Kiến trúc cầu dây văng hiện đại”

Sáng ngày 11/10, tại Xưởng K+ (Nhà M, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), Khoa Kiến trúc đã tổ chức buổi Tọa đàm với đề tài “Kiến trúc cầu dây văng hiện đại”. Tọa đàm là buổi giao lưu, trao đổi kết quả nghiên cứu giữa các giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học đến từ Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải.

Các diễn giả trong buổi tọa đàm “Kiến trúc cầu dây văng hiện đại”

Các diễn giả chính của tọa đàm gồm Ths. KTS Phạm Trung Hiếu (Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Phương Duy (Trường Đại học Giao thông vận tải), TS. KTS Nguyễn Việt Huy (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) và ông Trần Đức Lân (Tổng Giám đốc Công ty TNHH VSL Việt Nam).

TS. KTS Vương Hải Long – Trưởng Khoa Kiến trúc Đại học Kiến trúc Hà Nội

Mở đầu buổi tọa đàm, TS. KTS Vương Hải Long (Trưởng Khoa Kiến trúc) chia sẻ mong muốn xây dựng một diễn đàn chuyên sâu, nơi các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà khoa học có thể hợp tác chặt chẽ, cùng phát triển các kiến thức hành nghề chuyên môn. Theo ông, thiết kế cầu không đơn giản là công trình giao thông mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, hạ tầng, kiến trúc và thẩm mỹ. Công nghệ cầu tại Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đòi hỏi người kiến trúc sư ngoài bản vẽ đẹp mắt còn phải đảm bảo tạo nên những cây cầu đủ tính năng, hài hòa với cảnh quan xung quanh.

Ông Trần Đức Lân – Tổng Giám đốc Công ty VSL chia sẻ về những công nghệ khoa học tiên tiến trong xây dựng
PGS.TS Nguyễn Phương Duy – Trường Đại học Giao thông Vận tải chia sẻ những phân tích chi tiết về ngành xây dựng cầu

Ông Trần Đức Lân mở đầu phần thuyết trình với những công nghệ tiên tiến trong xây dựng cầu và phân tích những đóng góp của VSL trong hơn 30 năm hoạt động tại Việt Nam. Tiếp theo, PGS.TS Nguyễn Phương Duy đã trình bày những kiến thức từ tổng thể đến chi tiết về ngành xây dựng cầu, đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị hữu ích nhằm nâng cao khả năng phối hợp liên ngành trong lĩnh vực này.

Mục đích của buổi toạ đàm là làm sao để phát huy thế mạnh liên ngành, do vậy trong hai bài trình bày đầu tiên do các kỹ sư rất nhiều kinh nghiệm thiết kế cầu đã đưa ra những lập luận, cơ sở khoa học chính xác và bổ sung thêm nhiều kiến thức bổ ích thì hai bài tham luận tiếp theo của hai kiến trúc sư – cũng rất nhiều kinh nghiệm trong việc thiết kế cầu ở Việt Nam những năm gần đây cũng thú vị không kém. Các KTS đã hào hứng chia sẻ về những thuận lợi và khó khăn trong việc tham gia thi tuyển và thiết kế cầu tại Việt Nam đặc biệt sau khi luật kiến trúc ra đời.

TS.KTS. Phạm Trung Hiếu – Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đóng góp với góc nhìn về phân tích không gian trong từng bối cảnh

ThS.KTS Phạm Trung Hiếu đưa ra góc nhìn “kiến trúc và đô thị” với cách tiếp cận về phân tích không gian trong từng bối cảnh khác nhau, từ đó đưa ra những hình thái kiến trúc và sự kết hợp hài hoà của cây cầu vào bối cảnh chung của cảnh quan.

Tiếp nối chương trình là phần thảo luận, nơi các diễn giả đã trao đổi trực tiếp về thuận lợi và khó khăn trong tổ chức thi tuyển, trong việc phối kết hợp liên ngành giữa kỹ sư và kiến trúc sư đã rất sôi nổi đến kết thúc chương trình.

Tọa đàm đã mang tới nhiều kiến thức bổ ích cho khách mời về các công nghệ, kiến trúc xây dựng cầu trong thời đại ngày nay. Đặc biệt sẽ mở ra thêm nhiều toạ đàm và hội thảo nhằm phát huy thế mạnh liên ngành và đóng góp cho việc xây dựng cầu, đường tại Việt Nam ngày càng tốt hơn, đẹp hơn trong tương lai.

Uyên Thư – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc



Nguồn

Exit mobile version