TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

“Tôi rất xấu hổ khi 22 tuổi phải nhờ mẹ thay bỉm”

Những năm gần đây, loại dép sục nhựa đế cao (thường gọi crocs) rất được người trẻ ưa chuộng. Tuy nhiên, ít người biết nó tiềm ẩn nhiều mối nguy sức khỏe.

Trên thực tế, cái tên Crocs xuất phát từ tên thương hiệu giày dép Mỹ có cùng tên sáng tạo ra loại dép sục nhựa mềm này. Nhưng khi nó bắt đầu phổ biến thì mọi người quen gọi tất cả các loại giày dép có chất liệu, thiết kế tương tự là crocs. Ngay cả khi nó không hề được sản xuất bởi công ty Crocs.

Đặc biệt là các loại crocs đế cao thì càng được người trẻ tuổi ưa thích, thậm chí gây ra “cơn sốt” thời trang trên toàn cầu chứ không chỉ ở Việt Nam. Nhiều người cho rằng nó vừa nhẹ, thoải mái, không thấm nước nhưng lại thời trang và không gây đau chân như giày cao gót hay giày tây độn đế nhưng lại ăn gian chiều cao rất hiệu quả. Tuy nhiên, ít ai biết rằng các loại dép sục kiểu này tiềm ẩn rất nhiều mối nguy sức khỏe.

Những hình ảnh chàng trai 22 tuổi bị chấn thương nặng do đi dép sục nhựa đế cao (Ảnh từ MXH của nhân vật)

Một chàng trai 22 tuổi sống tại Đài Loan (Trung Quốc) đã phải nhập viện cấp cứu vì đi loại sục nhựa đế cao này cách đây vài ngày. Theo chính anh kể lại trên tài khoản mạng xã hội Threads của mình, anh đang đi bộ trên đường thì bị ngã.

Anh cho biết mình chọn loại dép sục nhựa này vì mềm và đế cao, nhưng không ngờ đó chính là nguyên nhân khiến anh chấn thương. Anh cũng kể rằng mình từng nhiều lần bị bước hụt hoặc lệch cổ chân sang 1 bên khi đi loại dép này nhưng không nghiêm trọng nên không để tâm. Cho đến sáng hôm đó, anh đang đi bộ thì cảm thấy dép bị lún xuống nhiều sau đó chân lệch về một bên, sau đó mất thăng bằng và ngã xuống đất.

Cú ngã khiến anh gãy xương chân, không thể đứng dậy và cũng đau nhức, bầm tím một vài nơi khác trên cơ thể. Người qua đường đã gọi xe cấp cứu đưa anh đến bệnh viện gần nhất. Lúc đầu, anh nằm một chỗ, không thể tự đi vệ sinh và phải dùng tới bỉm. Hiện tại, tình trạng đã khá lên nhưng anh vẫn đang bó bột chân phải và điều trị tại bệnh viện.

“Tôi rất xấu hổ khi 22 tuổi mà phải nhờ mẹ thay bỉm cho. Nhất là lý do nhập viện, nằm một chỗ của mình lại có vẻ rất ngớ ngẩn. Kỹ thuật viên X-quang cũng đã mắng tôi rằng đôi crocs của tôi quá cao, không an toàn” – anh chia sẻ. Anh cũng bộc bạch rằng dù cảm thấy xấu hổ nhưng anh vẫn quyết định chia sẻ câu chuyện của mình để cảnh báo những người đang dùng loại dép tương tự.

Bài đăng của anh nhận được nhiều sự quan tâm, phần bình luận có nhiều người cũng chia sẻ những trải nghiệm tồi tệ của mình khi đi loại dép sục nhựa có đế cao này. Có người bị trẹo chân, có người bị bong gân, người bị chấn thương dây chằng, người bị viêm nhiễm bàn chân, người lại bị bầm tím chân. Thậm chí có người bị ngã khi leo cầu thang dẫn tới gãy xương, chấn thương nặng. Hay một cô gái trẻ cho biết mình bị tuột dép khi đi rồi vô tình bị xe ô tô đâm phải khi nhặt dép.

Dù thời trang nhưng dép sục nhựa đế cao tiềm ẩn nhiều mối nguy sức khỏe khi dùng (Ảnh người dùng MXH chia sẻ tại phần bình luận bài đang của nhân vật)

Anh cũng bổ sung thêm rằng bác sĩ của mình giải thích tuy thời trang, thoải mái nhưng các loại dép sục nhựa, nhất là loại có đế cao không thân thiện với chân. Đặc biệt là nếu bạn chọn các loại dép chất lượng kém, không có thương hiệu, không qua kiểm định. Chúng thiếu sự hỗ trợ cho đôi chân do chất liệu quá mềm, thiếu phần đỡ ở gót, thiếu ổn định khi di chuyển.

Đương nhiên thiết kế quá cao cùng chất liệu mềm, độ bám dính thấp dễ gây mất thăng bằng, trơn trượt, tăng nguy cơ té ngã và chấn thương. Dép nhựa mềm cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ dị vật đâm xuyên, biến dạng dẫn tới kẹt chân trong một số trường hợp. Vì vậy cần lựa chọn kỹ trước khi mua và cẩn trọng khi dùng, không đi loại đế quá cao.

Ngoài ra, không phải ai cũng phù hợp với các loại giày/dép sục nhựa đế mềm thường gọi là crocs – dù đế cao hay không. Đó là những người phải hoạt động nhiều, vận động nặng, di chuyển trong môi trường không bằng phẳng hoặc dễ trơn trượt, người bị đau lưng hoặc đau cột sống, người gặp vấn đề với gót chân (như phẳng ngang hoặc dị dạng), có vết thương ở chân (dù là ngoài da)… Cũng không nên dùng loại dép này khi tập thể dục thể thao, ngay cả đi bộ hay đạp xe.

Nguồn và ảnh: TOPick, Asian One



Nguồn

Exit mobile version