TP.HCM cảnh báo mưa lớn, ngập úng cục bộ
Nhiễu động gió đông trên cao hoạt động mạnh trên khu vực Nam bộ khiến khu vực này hình thành mây giông trên diện rộng. Mây giông đang phát triển và gây mưa kèm theo giông nhiều nơi ở TP.HCM như: Bình Chánh, Hóc Môn, Gò Vấp, Cần Giờ… Bên cạnh đó, những vùng mây giông ở khu vực tỉnh Đồng Nai cũng đang di chuyển về hướng TP.HCM gây mưa cho một số khu vực như TP.Thủ Đức, các quận trung tâm thành phố, khu vực Nhà Bè – quận 7 và khu vực quận 12… lượng mưa phổ biến từ 5 – 20 mm, có nơi trên 25 mm. Trong cơn giông đề phòng lốc, mưa đá và gió giật mạnh, mưa lớn gây ngập úng cục bộ.
Cảnh báo mưa lớn cục bộ trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh thành Nam bộ trong chiều tối nay
Bên cạnh TP.HCM, nhiều nơi ở miền Đông như: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước và các tỉnh miền Tây là Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang… cũng xuất hiện mưa trái mùa. Đáng chú ý, ngoài các khu vực kể trên, mây giông có xu hướng mở rộng và lan sang các khu vực lân cận. Lượng mưa phổ biến từ 10 – 50 mm, có nơi trên 65 mm. Cần đề phòng mưa lớn gây ngập úng cục bộ.
Trong những ngày qua, tại TP.HCM liên tục xuất hiện mưa trái mùa. Một số nơi xuất hiện mưa xối xả, dự báo mưa có thể kéo dài đến đầu tuần sau.
Miền Bắc sắp rét 7 độ C, miền Nam mưa trái mùa
Trong mùa khô năm nay ở TP.HCM và Nam bộ đã đón những trận mưa lớn chưa từng thấy. Cụ thể giai đoạn từ ngày 13 – 16.2, một đợt mưa trái mùa với lượng “lớn chưa từng thấy” đã xuất hiện tại TP.HCM và cả một số nơi ở miền Đông và Tây Nam bộ. Cụ thể ngày 13.2, tại Nhà Bè (TP.HCM) lượng mưa lên tới 124,4 mm; Long Thành (Đồng Nai) 126,6 mm. Ngày 16.2, lượng mưa cao nhất khu vực ghi nhận tại Gò Quao (Kiên Giang) với lượng mưa lên đến 74,2 mm.
Dự báo mưa trái mùa còn tiếp tục xuất hiện trong tháng 3 và 4 do khí hậu đang ở trạng thái La Nina.