TP.HCM năng động, sáng tạo, đóng góp xây dựng đường lối đổi mới
Thử thách cam go nhất của 10 năm đầu sau ngày đất nước thống nhất (30.4.1975) là vượt qua những khó khăn chồng chất thời hậu chiến, có lúc tưởng chừng như không thể vượt qua, trong điều kiện bị bao vây cấm vận, chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước và những rào cản của cơ chế quan liêu bao cấp không còn phù hợp.
Công việc tập trung của Đảng bộ, chính quyền TP.HCM bấy giờ là lo cái ăn cho gần 4 triệu dân, lo nguyên vật liệu đầu vào cho nhà máy duy trì sản xuất ở một trung tâm công nghiệp lớn. Với tinh thần phải tự cứu lấy mình, lãnh đạo TP.HCM đã khơi dậy được sức dân, mở điểm đột phá thử nghiệm đổi mới cơ chế, chính sách kinh tế, sáng tạo ra những phong trào, những cuộc vận động sâu rộng với khí thế cách mạng và niềm tin vào tương lai.
Đô thị trung tâm TP.HCM
Câu chuyện “xé rào” trong sản xuất, trong phân phối lưu thông hàng hóa, “làm ăn theo cơ chế thành phố” tuy khiến thành phố phải gánh chịu nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, song thực tiễn luôn là tiêu chuẩn của chân lý và thực tiễn sinh động của thành phố đã có sức thuyết phục lớn. Nhiều cách làm sáng tạo “phá rào”, “bung ra” trong thực tế được ghi nhận như những “bước đột phá đầu tiên” của tiến trình đổi mới.
Trước tình cảnh người dân thành phố lần đầu tiên phải ăn độn khoai sắn, bo bo, có lúc ăn độn đến 90% dù ở sát vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long, lãnh đạo thành phố phải lo việc “chạy gạo” cứu đói cho dân. Ông Võ Văn Kiệt, Bí thư Thành ủy lúc bấy giờ, đã bật đèn xanh cho tổ thu mua lúa gạo do bà Ba Thi phụ trách về đồng bằng sông Cửu Long mua lúa gạo theo giá thị trường (3 đồng/kg lúa, trong khi giá quy định là 5 hào). Khi bà Ba Thi được gọi ra Trung ương báo cáo, ông Võ Văn Kiệt nói: “Chị cứ đi đi, nếu vào tù tôi sẽ mang cơm cho chị”. Việc làm của thành phố được Trung ương ghi nhận, tạo tiền đề phá bỏ thế cô lập “ngăn sông, cấm chợ” trong phân phối lưu thông hàng hóa.
Để vực dậy sản xuất, lãnh đạo thành phố đã cho phép các cơ sở sản xuất chủ động khai thác nguyên vật liệu thay vì chờ phân phối, được liên kết, hợp tác với các tỉnh, được thực hiện kế hoạch 3 phần – 3 lợi ích (nhà nước, doanh nghiệp, người lao động), trả lương theo sản phẩm cùng với việc tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển.
Để tăng nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, có lúc thành phố phải mượn tài sản, vàng của dân để đổi USD nhập nguyên vật liệu. Mặc dù bị bao vây, cấm vận nhưng thành phố cũng đã tổ chức được các hoạt động xuất nhập khẩu từ việc cho phép các đơn vị móc nối, trao đổi hàng hóa với các cơ sở làm ăn trước đây với các nước trong khu vực qua đường biển từ phao số 0…
Đường hoa Nguyễn Huệ tổ chức từ năm 2004 trở thành nét văn hóa, điểm đến quen thuộc của người dân, du khách mỗi dịp Tết Nguyên đán
Với tất cả sự nỗ lực, những năm đầu thập niên 1980 trở đi, kinh tế của TP.HCM bắt đầu phát triển, tỷ trọng công nghiệp chiếm hơn 30% tổng sản lượng công nghiệp cả nước. Và thực tiễn sinh động của thành phố đã từng bước thuyết phục Trung ương. Sự kiện Đà Lạt (tháng 7.1983) là minh chứng cho sự lắng nghe của Bộ Chính trị đối với lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo của các đơn vị dám “xé rào” với cách làm ăn mới, có hiệu quả, cùng quá trình khảo sát, kiểm chứng từ thực tiễn thành phố của Bộ Chính trị.
Các mô hình, giải pháp sáng tạo của TP.HCM giúp hình thành đường lối đổi mới của Đảng, và cũng là cơ sở cho sự ra đời các đạo luật thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tạo nên bước phát triển mới, đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, nước nghèo kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.
Rạng rỡ vai trò đầu tàu kinh tế, xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình
Khi có đường lối đổi mới, TP.HCM đã tiên phong trong sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Thành phố đã huy động được nguồn lực, tăng tốc phát triển trên các lĩnh vực và là nơi thực hiện xã hội hóa thành công trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao. Các chỉ số về quy mô kinh tế, năng suất lao động, đóng góp cho ngân sách quốc gia đều ở mức cao. Từ năm 1986 – 2010, tốc độ tăng trưởng của thành phố đạt bình quân trên 10%.
Trong quá trình phát triển, nhiều mô hình trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng được triển khai và hoạt động hiệu quả. Việc xây dựng khu chế xuất – khu công nghiệp tập trung, Công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao TP.HCM… mang lại những bước tiến mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Hoạt động khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đi vào chiều sâu, có những đóng góp tích cực vào tăng năng suất lao động, chuyển đổi số, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Là đô thị sớm được quy hoạch và phát triển theo kiểu phương Tây, thành phố đã tiếp tục phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc. Các khu đô thị mới được quy hoạch gắn với khu vực trung tâm hiện hữu, mở đầu là Khu nam Sài Gòn (trên con đường ra biển) với điểm nhấn là khu đô thị Phú Mỹ Hưng được xây dựng từ một vùng đầm lầy. Các tuyến đường được xây dựng và mở rộng như Nhà Bè – Cần Giờ, xa lộ Hà Nội, đường Nguyễn Văn Linh, đường Võ Văn Kiệt, hầm qua sông Sài Gòn, cùng với các cầu qua sông Sài Gòn được xây dựng. Các tuyến metro được quy hoạch và tuyến số 1 đã vận hành thương mại. Việc chỉnh trang đô thị gắn với cải tạo môi trường được thực hiện như giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch ở nhiều tuyến kênh như Nhiêu Lộc – Thị Nghè, Tàu Hủ – Bến Nghé, Tân Hóa – Lò Gốm… góp phần làm thay đổi bộ mặt thành phố.
Nhờ sự chung sức, đồng lòng, người dân đã cùng nhau hàn gắn vết thương chiến tranh, xóa bỏ mặc cảm, xây dựng đất nước. Các công trình, phong trào, cuộc vận động luôn được người dân hưởng ứng nhằm giữ vững thành quả cách mạng và tạo đà cho phát triển. Những phong trào “xóa đói giảm nghèo”, xây dựng “nhà tình nghĩa”, “nhà tình thương”, “ánh sáng văn hóa”… được người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Các nhân sĩ, trí thức hỗ trợ công nhân, nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Hàng vạn người trẻ tham gia thanh niên xung phong cùng các phong trào xung kích, tình nguyện… góp sức trẻ xây dựng thành phố.
Đại dịch Covid-19 là một thử thách lớn và TP.HCM là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhưng nhờ sức mạnh đoàn kết, sự hợp lực, giúp đỡ của đồng bào, chiến sĩ cả nước, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự linh hoạt của lãnh đạo thành phố, sự đồng lòng của người dân nên đã sớm phục hồi và vượt qua.
Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) được xây dựng cạnh xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp, TP.Thủ Đức)
TP.HCM là nơi có nhiều phong trào phát huy được nguồn lực trong dân. Trong đó, phong trào hiến đất mở hẻm, mở đường, hiến đất làm hàng trăm km đường giao thông nông thôn đã khẳng định chủ trương đúng, cách làm có hiệu quả, phát huy được tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm. Không chỉ Đảng bộ, chính quyền lo cho dân mà cả hệ thống chính trị và người dân cùng lo cho nhau. Các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Mẹ VN anh hùng, chăm lo cho các gia đình thương binh liệt sĩ, người có công được tiến hành chu đáo. Công tác bảo trợ xã hội được thực hiện ngày càng tốt hơn.
TP.HCM là nơi có hơn 270.000 người có công, có hơn 44.000 gia đình liệt sĩ, hàng chục ngàn cựu tù chính trị, có 5.494 Mẹ VN Anh hùng… Sau chiến tranh, thành phố đã quy tập gần 30.000 hài cốt về 7 nghĩa trang liệt sĩ. Công tác trợ cấp xã hội thường xuyên cho 140.000 người với kinh phí khoảng 100 tỉ đồng mỗi tháng.
TP.HCM là địa phương coi trọng đầu tư cho giáo dục – đào tạo, là nơi hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và phổ cập giáo dục mầm non sớm. Đây cũng là nơi có những đột phá trong nâng cao chuẩn phổ cập và mạnh mẽ thí điểm phương pháp giáo dục mới. Đây cũng là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi có hơn 70 trường đại học, cao đẳng, viện đào tạo đang nỗ lực phấn đấu để tạo nên đẳng cấp mới đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Trong đó, Đại học quốc gia TP.HCM được xem là mũi nhọn, có tới 15 chuyên ngành trong tốp 500 của thế giới.
Mạng lưới y tế TP.HCM không ngừng phát triển, với 133 bệnh viện, có gần 21 bác sĩ/1 vạn dân, 42 giường bệnh/1 vạn dân, đang củng cố 3 tuyến chăm sóc (sức khỏe ban đầu, căn bản và chuyên sâu), sẽ tiếp tục khẳng định chất lượng khám chữa bệnh, phấn đấu trở thành trung tâm chăm sóc sức khỏe khu vực ASEAN.
Từ thu nhập bình quân đầu người từ 65 USD năm 1975, đến cuối năm 2024 GRDP bình quân đầu người của TP.HCM là 7.758 USD. Từ tỷ lệ hộ nghèo năm 1986 là 60%, đến nay TP.HCM đã cơ bản hoàn thành việc xóa nghèo theo chuẩn đa chiều, cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên. Cùng với môi trường chính trị – xã hội ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tạo điều kiện đảm bảo cuộc sống bình yên của người dân và môi trường đầu tư, phát triển.
Vững bước đi lên trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Trong quá trình phát triển, TP.HCM luôn quan tâm phát huy phẩm chất, nét đẹp văn hóa, con người thành phố. Đó là tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và khát vọng vươn lên, là sự chung sức, đồng lòng cùng xây dựng và kiến tạo nên những giá trị mới. Đó là khả năng thu hút nguồn lực tại chỗ, trong nước, kiều bào ta ở nước ngoài và nguồn vốn đầu tư nước ngoài…
TP.HCM hiện đại, vươn lên tầm cao
Nhiều thành tựu đã đạt được 50 năm qua trên tất cả các lĩnh vực vừa khẳng định yếu tố cứng và cả sức mạnh mềm của văn hóa, con người thành phố. Để nét đẹp văn hóa con người Hồ Chí Minh thấm sâu hơn nữa vào văn hóa, con người thành phố và trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, đặc thù của người dân nơi thành phố mang tên Người, Thành ủy đã chủ trương xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh…
Đến nay, đã có hơn 5.000 thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng ở các cơ quan, đơn vị, trường học, khu dân cư, chung cư, các cơ sở tôn giáo, thờ tự, tín ngưỡng… đã tạo sự lan tỏa rộng rãi và những chuyển biến tích cực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Giờ đây, tinh thần tiên phong, năng động, sáng tạo như đang thúc giục Đảng bộ và nhân dân TP.HCM ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM và Nghị quyết XIII của Đảng, thúc giục việc chuẩn bị những dự án tầm cỡ như trung tâm tài chính, cảng trung chuyển quốc tế…, thúc giục việc khởi công các công trình mới, cũng như khởi động nhanh lại các công trình tồn đọng…
Cho dù TP.HCM còn đang giải quyết những bài toán khó, có cả yêu cầu mới và những vấn đề còn tồn đọng, cho dù 3 điểm nghẽn của cả nước cũng đang là điểm nghẽn của thành phố, nhưng lãnh đạo và người dân thành phố vẫn tin rằng sẽ sớm vượt qua. Như thuyền lớn trước sóng lớn, TP.HCM luôn khẳng định bản lĩnh vững vàng và cùng hạ quyết tâm vượt qua với sức mạnh của sự đồng lòng, chung sức.
Với bề dày truyền thống, tự hào thành phố mang tên Bác, vinh dự được 3 lần đón nhận danh hiệu anh hùng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, nét đẹp văn hóa, con người và khát vọng vươn lên giữ vững vai trò đầu tàu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.