Truyền thống hào hùng, sự nghiệp vẻ vang
Các vị đại biểu tham dự buổi lễ – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Tới dự lễ kỷ niệm có: Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Bí thư Trung ủy Quân ủy; Chủ tịch nước Lương Cường; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Đại tướng Phan Văn Giang, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương; Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; đại biểu lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, các tướng lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân…
Đại biểu quốc tế tham dự lễ kỷ niệm có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng các nước: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Cuba, Vương quốc Thái Lan, Bruney, Mông Cổ; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, quân đội các nước: Liên bang Nga, Ấn Độ, Philippines, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ; Đoàn ngoại giao, Đoàn tùy viên quân sự, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, đại diện cựu chiến binh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Liên bang Nga tham gia giúp Việt Nam trong các cuộc kháng chiến.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương đọc diễn văn kỷ niệm tại buổi lễ – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Quân đội từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương đọc diễn văn kỷ niệm. Diễn văn kỷ niệm của Tổng Bí thư Tô Lâm đã ôn lại truyền thống hào hùng, vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành.
Theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân – tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập. Ngay sau ngày thành lập, với lối đánh mưu trí, táo bạo, bất ngờ, xuất thần, Đội đã tiêu diệt đồn Phai Khắt và Nà Ngần trong hai trận khai hỏa đầu tiên, mở ra truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chỉ sau 8 tháng, Việt Nam Giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang các địa phương và nhân dân cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc, làm nên thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập, tự do.
Dưới sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; sự nuôi dưỡng, đùm bọc, chở che của nhân dân, Quân đội ta đã phát triển nhanh chóng, liên tục lập nên những chiến công xuất sắc. Từ “đội quân đàn anh” ban đầu với 34 chiến sĩ, Quân đội ta đã nhanh chóng phát triển thành sáu đại đoàn bộ binh, một đại đoàn công pháo và một số trung đoàn chủ lực, quân số hàng chục vạn người, liên tiếp giành thắng lợi trong các chiến dịch lớn mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải đầu hàng. Đội quân vừa tròn 10 tuổi đã hạ gục đội quân viễn chinh nhà nghề được thành lập từ thế kỷ 15. Điều đó khẳng định tầm cao trí tuệ Việt Nam và nghệ thuật quân sự Việt Nam, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Quân đội Nhân dân Việt Nam – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tạo thành trì vững chắc để tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam; thực hiện chủ trương của Đảng “tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước đến chính quy hóa và hiện đại hóa”, Quân đội Nhân dân Việt Nam tiếp tục có bước trưởng thành mới, trở thành Quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, gồm các lực lượng Lục quân, Hải quân, Phòng không – Không quân và sự ra đời các quân đoàn chủ lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vô cùng gian khổ, ác liệt, hy sinh của nhân dân ta.
Phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, Quân đội ta đã kiên cường, anh dũng chiến đấu, cùng toàn dân lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của địch, viết nên những trang vàng lịch sử bằng các chiến công chói lọi. Đó là chiến thắng Ấp Bắc, Bình Giã, Đồng Xoài, Ba Gia, Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me… Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chiến thắng Đường 9 – Nam Lào, chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, đại thắng mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là cuộc tiến công thần tốc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới-kỷ nguyên hòa bình, độc lập, tự do, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nỗ lực cùng nhân dân cả nước vừa khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, vừa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, vừa kiên cường chiến đấu giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Trong giai đoạn mới này, Quân đội luôn thực hiện tốt chức năng “đội quân chiến đấu – đội quân công tác – đội quân lao động sản xuất”, đóng góp xứng đáng vào thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của cách mạng Việt Nam.
Tổng Bí thư Tô Lâm trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Quân đội nhân dân Việt Nam – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Theo suốt chiều dài lịch sử của mình, Quân đội luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính quyền, bảo vệ Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ sự nghiệp đổi mới, giữ vững, củng cố, tăng cường môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên phạm vi toàn thế giới.
Là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, Quân đội luôn coi trọng xây dựng vững mạnh về chính trị, thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tăng cường rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh, phong phú; tích cực lao động sản xuất, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là ở các địa bàn chiến lược, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo.
Là đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ, gắn bó máu thịt với nhân dân, Quân đội luôn luôn đồng cam cộng khổ với nhân dân trong mọi lúc, mọi nơi; là lực lượng chủ công, xung kích đi đầu trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
Tổng Bí thư cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Những năm gần đây, bám sát và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng trong thời kỳ mới, Quân đội đã quyết liệt điều chỉnh tổ chức lực lượng theo hướng tinh – gọn – mạnh, tạo tiền đề vững chắc để xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Công nghiệp quốc phòng có bước phát triển mới, đã làm chủ công nghệ chế tạo, sản xuất thành công nhiều chủng loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại, nhiều sản phẩm lưỡng dụng, góp phần hiện đại hóa Quân đội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng được triển khai chủ động, linh hoạt, sáng tạo, đạt được kết quả toàn diện trên cả bình diện song phương và đa phương…
Cũng theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kinh nghiệm và truyền thống quý báu của cha ông trong đánh giặc giữ nước và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ tiếp tục được kế thừa, phát huy và từng bước được hoàn thiện trong thời kỳ xây dựng, đổi mới đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Với nhận thức sâu sắc về sức mạnh vô song của nền quốc phòng toàn dân và thể theo nguyện vọng của nhân dân, ngày 17 tháng 10 năm 1989, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI ra Chỉ thị quyết định lấy ngày 22 tháng 12 – Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đồng thời là Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22 tháng 12 hằng năm không chỉ là dịp để ôn lại truyền thống vẻ vang, tôn vinh những chiến công, thành tích xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam, mà còn là ngày hội biểu dương sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Đại diện cho cựu chiến binh, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị, Quân chủng Phòng không-Không quân phát biểu tại buổi lễ – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thực tiễn 35 năm tổ chức Ngày hội Quốc phòng toàn dân đã trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng; bồi đắp lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; động viên Nhân dân cả nước tích cực ủng hộ sức người, sức của cho nền quốc phòng toàn dân; xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân”, tạo nên “bức trường thành” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với mục tiêu cao nhất là xây dựng đất nước hòa bình, phồn vinh, văn minh, thịnh vượng và chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, con người được sống trong độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc. Việt Nam nhất quán chủ trương giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế; tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và công việc nội bộ của tất cả các quốc gia; không tham gia liên minh quân sự, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, trong giai đoạn cách mạng mới, điều kiện tiên quyết để Quân đội nhân dân tiếp tục hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta lập nên những kỳ tích mới trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đó là giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân và sự nghiệp củng cố quốc phòng, an ninh; không ngừng phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” vững chắc; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc trên tinh thần “tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc” với sức mạnh thời đại, sự đồng tình, ủng hộ, hợp tác cùng phát triển của bạn bè quốc tế.
Thượng úy Nguyễn Tuấn Dũng, Trợ lý Phòng Kỹ thuật Công nghệ, Nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, đại diện cho thế hệ trẻ phát biểu tại buổi lễ – Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Cùng với phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng; có tổ chức lực lượng tinh- gọn- mạnh theo phương châm “người trước, súng sau”, đặc biệt coi trọng xây dựng và phát huy nhân tố con người, trước hết là nhân tố chính trị, tinh thần; quan tâm thu hút, đào tạo nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao…
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng, tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa, góp phần lan tỏa hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng bạn bè quốc tế; thúc đẩy xu thế hòa bình, ngăn ngừa, hóa giải nguy cơ chiến tranh, xung đột, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Chương trình sử thi nghệ thuật “80 năm dưới Quân kỳ quyết thắng” với thời lượng hơn 30 phút, gồm các tiết mục ca múa nhạc đặc sắc, khái quát toàn bộ lịch sử ra đời, chiến đấu, chiến thắng của Quân đội cũng như khẳng định vai trò to lớn của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc – Ảnh: VGP/Vũ Phong |
Ảnh: VGP/Vũ Phong |
Ảnh: VGP/Vũ Phong |
Sống xứng đáng với truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam
Đại diện cho cựu chiến binh, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư lệnh về Chính trị, Quân chủng Phòng không-Không quân bày tỏ, ông luôn nhận thức sâu sắc rằng, từng bước đi và sự trưởng thành của mình cũng như bao đồng chí khác đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, của Quân đội và sự giúp đỡ, đùm bọc, cưu mang, nuôi nấng của nhân dân.
Trở về đời thường, Trung tướng Nguyễn Văn Phiệt luôn tâm niệm rằng là cựu chiến binh, phải sống xứng đáng với truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, kiên định vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống, gương mẫu về hành động, nói và làm theo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nhân dân.
Đại diện cho thế hệ trẻ Việt Nam phát biểu tại buổi lễ, Thượng úy Nguyễn Tuấn Dũng, Trợ lý Phòng Kỹ thuật Công nghệ, Nhà máy Z131, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao, sự hy sinh to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, các cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng; trân trọng và biết ơn các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng đã âm thầm chịu đựng những mất mát, đau thương để đem lại độc lạp, tự do cho dân tộc.
Thượng úy Nguyễn Tuấn Dũng khẳng định, thế hệ trẻ Việt Nam nguyện tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; kiên định đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn; sẵn sàng chiến đấu hy sinh; xứng đáng là thế hệ viết tiếp trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.
Ghi nhận những công lao to lớn, thành tích đặc biệt xuất sắc trong những năm qua, Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh dành cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã trao Huân chương Hồ Chí Minh tặng Quân đội nhân dân Việt Nam.