TS. Nguyễn Thị Ngoan với sáng chế phục vụ nhu cầu của cuộc sống
Trở về từ Triển lãm Quốc tế về Sáng chế của phụ nữ (KIWIE 2024) ở Hàn Quốc với tấm Huy chương Bạc cho sáng chế “Quy trình sản xuất chế phẩm Nano Chitosan mang tinh dầu nghệ Nano Cucurmin”, TS. Nguyễn Thị Ngoan (Viện Hóa học- Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) mang theo năng lượng tích cực của một nhà khoa học nữ quyết không để những nghiên cứu của mình “nằm trong ngăn kéo”.
Tại buổi gặp gỡ, trao giải cho các nhà khoa học đạt giải thưởng ở Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Ngoan chia sẻ: “Sau khi lăn lộn làm khoa học, tôi đã rút ra bài học là làm khoa học phải bắt đầu từ nhu cầu của cuộc sống. Và có hai cách để các nghiên cứu của các nhà khoa học không bị xếp tủ, hoặc nhét trong ngăn kéo, đó là nhà khoa học phải tìm được doanh nghiệp đồng hành với mình; hoặc nhà khoa học tự đứng lên biến nghiên cứu thành sản phẩm và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Trước tôi kết hợp với doanh nghiệp chuyển giao đề tài nghiên cứu tách chiết isoflavone trong thân sắn dây củ tròn – tên khoa học là Pueraria mirifica thuộc chi Faboideae họ đậu (hay còn gọi là sâm tố nữ). Hiện tại tôi đã có một nhà máy riêng”.
TS Nguyễn Thị Ngoan (phải) và đồng nghiệp tại phòng thí nghiệm Viện Hóa học (Ảnh: HV) |
Nói về sáng chế vừa nhận giải Bạc tại KIWIE 2024, TS. Nguyễn Thị Ngoan cho biết đây là dự án chị cùng nhóm nghiên cứu gồm: PGS.TS Nguyễn Thị Kim Cúc, GS.TS Phạm Việt Cường, ThS. Trần Thị Kim Dung, TS. Vũ Thị Thu Huyền, ThS. Nguyễn Mai Anh nghiên cứu cách đây 10 năm. Thời điểm đó, Nhà nước có nhiều chính sách khuyến khích các đề tài dự án nhằm phát triển cho nông lâm ngư nghiệp. Giải pháp hữu ích số 1627 do (SHTT) Việt Nam cấp về “Quy trình sản xuất chế phẩm Nano Chitosan mang tinh dầu nghệ Nano Cucurmin” là kết quả của đề tài độc lập cấp Nhà nước – “Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng chế phẩm Nano Chitosan – tinh dầu nghệ bảo quản quả tươi phục vụ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu’” do PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Cúc làm chủ nhiệm, cơ quan chủ trì Viện Hóa sinh biển – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
“Giải pháp nghiên cứu cũng là tiền đề để phát triển các nghiên cứu tiếp theo với mục đích sản xuất ra được các sản phẩm có khả năng thương mại hóa. Sản phẩm trực tiếp từ giải pháp hữu ích thì chưa được thương mại hóa, tuy nhiên dựa trên nghiên cứu này mà chúng tôi phát triển các sản phẩm khác có giá trị cao” – TS. Nguyễn Thị Ngoan chia sẻ.
Theo TS. Nguyễn Thị Ngoan, hướng nghiên cứu của đề tài này giải quyết nhiều vấn đề có ý nghĩa thực tiễn và đã được áp dụng trong thực tế. Đối tượng và nguyên liệu sử dụng của đề tài hướng tới giải quyết vấn đề rác thải của ngành khai thác thủy hải sản và sản phẩm nhằm bảo quản cho các sản phẩm nông nghiệp.
Nguồn nguyên liệu sử dụng trong dự án được nhóm nghiên cứu kết hợp từ 2 nguồn chính, đó là: nguyên liệu lấy từ dự án sản xuất chitosan từ vỏ tôm, giáp xác – rác thải của ngành khai thác thủy hải sản đã được tiến hành trước đó của nhiều nhóm nghiên cứu, cùng với tinh dầu nghệ cũng là phế phẩm của quá trình khai thác củ nghệ sản xuất tinh bột và tinh chất curcumin. Nguyên liệu và đối tượng sử dụng nghiên cứu hoàn toàn là của Việt Nam và phục vụ người Việt Nam.
“Trong quá trình nghiên cứu đề tài này chúng tôi đã có nhiều thuận lợi là chúng tôi phát triển dựa trên nguyên liệu là kết quả đã được nghiên cứu trước đó có những kế thừa và phát triển thêm. Nguồn nguyên liệu cho thực nghiệm khá phong phú và giá thành rẻ nên tiến hành số lượng thực nghiệm rất lớn trước khi đưa ra giải pháp hữu ích. Và vì kết quả có tính thực tiễn nên rất dễ đánh giá hiệu quả thực tế của sản phẩm.
Tuy nhiên trong quá trình nghiên cứu chúng tôi cũng gặp phải không ít những khó khăn như thiết bị máy móc đánh giá một số chỉ tiêu kết quả của sản phẩm còn thiếu. Tại thời điểm đó các thiết bị hiện đại cũng hạn chế, chủ yếu sử dụng các thiết bị sẵn có của phòng thí nghiệm trang bị như các thiết bị khuấy trộn, nhúng tạo màng…” – TS. Nguyễn Thị Ngoan nói.
Cái mới của nghiên cứu là đưa ra được phương pháp đơn giản, hiệu quả phân tán các chất kém tan trong nước đồng thời tạo lớp màng có hoạt tính sinh học như diệt khuẩn, diệt nấm… Nguyên liệu sử dụng rẻ tiền và dễ kiếm. Dựa trên cơ chế này, nhóm nghiên cứu có thể phát triển nghiên cứu sản xuất trên các nguyên liệu khác nhau với mục đích khác nhau.
Cùng trong hướng với các nghiên cứu vật liệu mới, kết quả của nghiên cứu cũng giúp nhóm cho ra các nguyên liệu dạng nano có các đặc trưng tính chất vượt trội so với nguyên liệu ban đầu. Ví dụ như sử dụng các chất có hoạt tính sinh học tách chiết từ nguyên dược liệu của Việt Nam nhằm bào chế các hoạt chất dạng nano như nano curcumin từ củ nghệ, nano andrographolide từ cây xuyên tâm liên, nano rutin từ nụ hoa hòe… làm nguyên liệu cho ngành dược phẩm và thực phẩm chức năng.
Sản phẩm chính của nghiên cứu này dù chưa được thương mại hóa nhưng dựa trên các kết quả của nghiên cứu, nhóm đã nghiên cứu và phát triển, mở rộng nguyên liệu cũng như đối tượng sản phẩm nhằm phục vụ các mục đích khác nhau và đã có sản phẩm được thương mại hóa như nano curcumin, nano andrographide…làm nguyên liệu cho công nghiệp dược phẩm và mỹ phẩm.
Không muốn để kết quả nghiên cứu “cất ngăn kéo”, nữ tiến sĩ 33 tuổi cùng bạn lập dự án startup đưa sản phẩm ra thị trường.
TS. Nguyễn Thị Ngoan nhận giải tại Hà Nội. |
Đề tài nghiên cứu tách chiết isoflavone trong thân sắn dây củ tròn – tên khoa học là Pueraria mirifica, thuộc chi Faboideae họ đậu (hay còn gọi là sâm tố nữ) được TS. Nguyễn Thị Ngoan, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng cộng sự thực hiện từ cuối năm 2015. Với nguyên liệu là củ sắn dây củ tròn lấy từ Hòa Bình, Sơn La, nhóm nghiên cứu đã tách chiết thành công isoflavone và xây dựng được quy trình chiết xuất.
Chất isoflavone trong sắn dây củ tròn được nghiên cứu giúp bổ sung nội tiết tố nữ. Nhận thấy hiệu quả của các chất quý, nhóm nghiên cứu của TS. Ngoan đã bào chế thử theo dạng sản phẩm dùng nội bộ. Sau một thời gian dùng thử, nhận được phản hồi tốt từ người dùng, nữ tiến sĩ ấp ủ ý nghĩ phát triển sản phẩm, thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Ý tưởng này được ThS. Đào Ánh Vân hưởng ứng và cả hai hình thành dự án khởi nghiệp thực phẩm hỗ trợ bổ sung nội tiết tố nữ VIG Biopharm.
Sắn dây củ tròn đã được các nhà khoa học chứng minh chứa hoạt chất estrogen isoflavone mạnh gấp 100 lần so với các chất từ đậu nành và mạnh nhất trong các loài thực vật. Ở Việt Nam, người Thái tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu từ xa xưa đã sử dụng sắn dây củ tròn để làm đẹp và giữ gìn tuổi xuân.
Thời gian tới, TS. Nguyễn Thị Ngoan và nhóm nghiên cứu tiếp tục thực hiện các nghiên cứu theo đơn đặt hàng, giải quyết các vấn đề đặt ra của doanh nghiệp. Ngoài việc nghiên cứu phát triển các nguồn nguyên liệu mới, bào chế dạng nano nhóm còn nghiên cứu đưa ra các giải pháp hữu ích khác nhằm cải tiến quá trình sản xuất cũ lạc hậu và đưa các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất trên tinh thần kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống.