TIẾP THỊ & TIÊU DÙNG

Từ 2025, bắt buộc đăng ký thường trú cho trẻ sau tối đa 60 ngày khai sinh

Chính phủ mới đây ban hành Nghị định 154/2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Cư trú. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10.1.2025.

Nghị định 154/2024 dành riêng 1 điều để quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú cho người chưa thành niên (dưới 18 tuổi).

Theo quy định mới, tối đa 60 ngày kể từ khi đăng ký khai sinh, cha mẹ phải thực hiện thủ tục đăng ký thường trú cho con

Đăng ký thường trú tối đa 60 ngày sau khai sinh

Theo đó, nếu người chưa thành niên đăng ký thường trú, tạm trú tại nơi thường trú, nơi tạm trú của cha, mẹ thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ phải kê khai và xác nhận ý kiến vào tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

Trường hợp người chưa thành niên đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại nơi khác thì cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ cũng phải kê khai, xác nhận ý kiến vào tờ khai thay đổi thông tin cư trú.

Đáng chú ý, trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày người chưa thành niên được đăng ký khai sinh, cha hoặc mẹ hoặc chủ hộ hoặc người giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo thông tin về cư trú cho người chưa thành niên.

Trường hợp cha, mẹ của người chưa thành niên có nơi thường trú nhưng không phải nơi đang thực tế sinh sống thì người chưa thành niên được đăng ký thường trú tại nơi thường trú của cha, mẹ.

Đây là điểm mới so với quy định hiện hành, khi Nghị định 62/2021 (đang có hiệu lực) không đề cập về thời hạn phải đăng ký thường trú, tạm trú cho người chưa thành niên sau khi đã đăng ký khai sinh.

Liên quan đến nội dung này, năm 2014, khi ban hành Nghị định 31/2024, Chính phủ từng quy định trong vòng 60 ngày kể từ khi trẻ em được đăng ký khai sinh, cha, mẹ hoặc đại diện hộ gia đình có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký thường trú cho trẻ em đó. Đến khi ban hành Nghị định 62/2021, quy định này được bãi bỏ. Nay, với Nghị định 154/2024, việc quy định thời hạn được áp dụng trở lại.

Về chế tài xử lý, Nghị định số 144/2021 đang quy định mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, tạm trú hoặc xóa đăng ký thường trú, tạm trú…

Đăng ký tạm trú: Không cần công chứng hợp đồng thuê nhà

Nghị định 154/2024 còn quy định rất chi tiết về các loại giấy tờ, tài liệu, thông tin chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Với đăng ký thường trú, công dân cần một trong các giấy tờ, tài liệu: giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; giấy phép xây dựng nhà ở; hợp đồng mua bán nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở hoặc đã nhận nhà ở; hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ được công chứng hoặc chứng thực…

Với đăng ký tạm trú, công dân cũng cần cung cấp một trong các loại giấy tờ giống như đăng ký thường trú. Riêng hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ thì không cần công chứng hoặc chứng thực.

Một điểm đáng chú ý nữa, Nghị định 154/2024 quy định khi công dân cung cấp thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp để làm thủ tục đăng ký cư trú, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm khai thác thông tin này trong căn cước điện tử, tài khoản định danh điện tử.

Chỉ khi không khai thác được thông tin chứng minh về chỗ ở hợp pháp trong cơ sở dữ liệu thì cơ quan đăng ký cư trú mới kiểm tra, xác minh để giải quyết thủ tục về cư trú. Đồng thời, công dân có trách nhiệm cung cấp các loại giấy tờ, tài liệu như đã nêu ở trên.


Nguồn

Exit mobile version