Tọa đàm cho thấy tiềm năng và thách thức trong việc ứng dụng AI trong quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
Chiều 16/4, tại Hà Nội, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp đã tổ chức Tọa đàm “Ứng dụng AI trong quá trình thương mại hoá kết quả nghiên cứu và phát triển sản phẩm”.
Sự kiện thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tọa đàm “Ứng dụng AI trong quá trình thương mại hoá kết quả nghiên cứu và phát triển sản phẩm” thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. |
Tại tọa đàm, với kiến thức và những trải nghiệm thực tế, PGS.TS. Lê Thị Mai Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện công nghệ xạ hiếm, Nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm đào tạo hạt nhân, đã mang đến những góc nhìn đa chiều về vai trò của AI trong việc thúc đẩy quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học – khâu then chốt để đưa các ý tưởng khoa học vào thực tiễn và tạo ra giá trị.
Mở đầu phần trình bày, PGS.TS. Lê Thị Mai Hương đã giới thiệu về AI tạo sinh, đặc biệt là ChatGPT, minh họa khả năng đa dạng của công nghệ này trong tạo văn bản, dịch thuật và hỗ trợ sáng tạo nội dung, xây dựng đề cương chuyển giao công nghệ… Tuy nhiên, PGS.TS. Lê Thị Mai Hương cũng chỉ ra một trong những hạn chế đáng lưu ý của ChatGPT là khả năng thực hiện các tác vụ phức tạp thường bị giới hạn ở việc xử lý tuần tự từng bước. Điều này có thể gây ra sự bất tiện và tốn thời gian khi người dùng cần một quy trình làm việc liền mạch và đa nhiệm.
PGS.TS. Lê Thị Mai Hương, nguyên Phó Viện trưởng Viện công nghệ xạ hiếm, Nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm đào tạo hạt nhân chia sẻ về cách sử dụng Aiva – một AI Agent với khả năng hoạt động tự chủ như một trợ lý ảo thông minh. |
Tiếp đó, PGS.TS. Lê Thị Mai Hương đã giới thiệu Aiva một ví dụ điển hình về AI Agent với khả năng hoạt động tự chủ như một trợ lý ảo thông minh, có thể thực hiện các tác vụ phức tạp một cách linh hoạt và hiệu quả dựa trên các mục tiêu được giao. Từ việc xây dựng kế hoạch 5W1H chi tiết, soạn thảo kế hoạch giảng dạy bài bản, triển khai các chiến dịch marketing đa dạng cho đến kế hoạch triển khai đề án chuyển giao công nghệ. Sự khác biệt này cho thấy AI Agent có tiềm năng tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả hơn so với việc sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn như ChatGPT cho các tác vụ phức tạp, có tiềm năng hỗ trợ các bài toán chuyên môn sâu cho nhà nghiên cứu và doanh nghiệp.
Điểm nổi bật của tọa đàm là phần thảo luận về cơ hội ứng dụng AI Agent trong thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học. PGS.TS. Lê Thị Mai Hương đã trình diễn khả năng xây dựng kế hoạch kinh doanh, marketing và bán hàng nhanh chóng của AI Agent cho sản phẩm Natokinase. Bà cho thấy, AI có thể tạo ra các bản kế hoạch chi tiết, bao gồm phân tích SWOT toàn diện, xác định thị trường mục tiêu cụ thể, xây dựng chiến lược giá cạnh tranh, lựa chọn kênh phân phối tối ưu và đề xuất các hoạt động quảng bá sáng tạo một cách nhanh chóng chỉ sau một cú nhấp chuột. Điều này mở ra một triển vọng lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà nghiên cứu trong việc hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh hiệu quả hơn về mặt thời gian và chi phí so với các phương pháp truyền thống vốn đòi hỏi nhiều công sức và nguồn lực.
Trong phần thảo luận về cách huấn luyện AI Agent, PGS.TS. Lê Thị Mai Hương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp dữ liệu chất lượng cao và phù hợp với mục tiêu ứng dụng cụ thể. Quá trình huấn luyện thường bao gồm việc sử dụng các bộ dữ liệu chuyên ngành, các tài liệu nghiên cứu khoa học, các báo cáo thị trường và các thông tin liên quan đến lĩnh vực mà AI Agent sẽ hoạt động. Bên cạnh đó, việc tích hợp các thuật toán học máy tiên tiến và quá trình điều chỉnh liên tục (fine-tuning) cũng đóng vai trò then chốt để AI Agent có thể hiểu, phân tích và đưa ra các quyết định thông minh, hỗ trợ đắc lực cho quá trình thực thi nhiệm vụ.
Ông Thế Mạnh, chuyên gia về AI giới thiệu về việc huấn luyện AI Agent hỗ trợ cho các tác vụ chuyên sâu. |
Các đại biểu tham gia tọa đàm đều thống nhất AI mang lại lợi thế cạnh tranh lớn, giúp các nhà khoa học và doanh nghiệp khởi nghiệp tự tin xây dựng kế hoạch kinh doanh bài bản, tiết kiệm nguồn lực và nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bên cạnh những lợi ích to lớn, các chuyên gia, nhà khoa học tham gia tọa đàm cũng đề cập đến những thách thức và vấn đề cần lưu tâm khi ứng dụng AI trong lĩnh vực khoa học. Vấn đề về liêm chính khoa học, tính minh bạch trong việc sử dụng dữ liệu huấn luyện AI, khả năng xảy ra sai sót và việc đảm bảo trách nhiệm giải trình khi sử dụng các công cụ AI đã được đưa ra thảo luận một cách nghiêm túc. Việc kiểm soát nguồn gốc dữ liệu huấn luyện và đảm bảo tính khách quan của các phân tích do AI cung cấp là những yếu tố then chốt để duy trì sự tin cậy trong cộng đồng khoa học và doanh nghiệp.