(KTVN 254)
Lý luận kiến trúc hiện nay đang ở vị trí quá thấp, không theo kịp với sự sáng tạo. Người sáng tác kiến trúc lúc mình làm không nghĩ tới công trình của mình sẽ trở thành công trình có giá trị cho mai sau. Không lâu trước đây, có trào lưu nhìn lại kiến trúc thời bao cấp. Tôi may mắn được tham gia thiết kế công trình trong thời kỳ đó. Thời bao cấp so với thời gian này thì có khoảng lùi. Bây giờ, chúng ta bắt đầu khai thác lại, đánh giá, xếp hạng công trình thời kỳ đó. Nhưng lúc chúng tôi thiết kế, không bao giờ nghĩ rằng công trình đó sẽ là đối tượng để mọi người đánh giá, xem xét, phê bình, nghiên cứu. Trong các cuộc tranh luận như vậy, thì càng thấy được vai trò quan trọng của công tác lý luận phê bình kiến trúc.
Phê bình và lý luận kiến trúc còn có vai trò trong việc thúc đẩy việc sáng tác kiến trúc. Khi sản phẩm ra đời, sẽ đi theo 1 chu trình: phê bình, thẩm giá, định nghĩa trào lưu rồi cuối cùng là đưa đến quan niệm. Trong chuỗi lý thuyết phê bình, từ 4 việc trên, sau khi đúc rút thì sẽ quay trở lại để hình thành phong cách, thay đổi cách nhìn về thẩm mỹ và cuối cùng là thúc đẩy sáng tạo.
Có 3 trụ cột của bền vững: Xã hội – Kinh tế – Môi trường, quy vào trong thiết kế sẽ có 3 tiêu chí làm căn cho các nhà phê bình: Thích dụng – Bền vững – Thẩm mỹ. Phê bình và lý luận sẽ giúp chúng ta định hình những công trình nào có giá trị cho tương lai.
Cuối cùng, có một giá trị rất quan trọng nhưng ít khi được nhắc đến, đó là nơi chốn. Hiện nay, vì không có lý thuyết về nơi chốn để khai thác được các giá trị bản địa./.
TS.KTS Trần Thanh Bình