Xã Hội

‘Văn phòng Trung ương Đảng cần nghiên cứu cơ chế đặc biệt trọng dụng nhân tài’

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Văn phòng Trung ương Đảng nghiên cứu đề xuất cơ chế đặc biệt thu hút, trọng dụng nhân tài, cán bộ giỏi, chuyên gia đầu ngành, về làm việc.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Văn phòng Trung ương Đảng sáng 19/12, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý cần thực hiện tốt công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ.

Văn phòng Trung ương Đảng quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đề xuất cơ chế đặc biệt trọng dụng nhân tài về làm việc, nhất là ở bộ phận nghiên cứu, tham mưu chiến lược. “Đơn vị phải thực sự là cơ quan tham mưu chiến lược, trọng yếu, cơ mật, bộ não của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, ông nói.

Bên cạnh đó, Văn phòng Trung ương Đảng “phải là nơi hình thành và triển khai các quyết sách quan trọng của Đảng; nơi tham mưu tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo của Đảng, phối hợp, điều hòa hoạt động của các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng”.

Tổng Bí thư yêu cầu Văn phòng Trung ương Đảng hoàn thành đúng tiến độ tổng kết nghị quyết 18 và đề xuất mô hình, tổ chức bộ máy mới của đơn vị, gắn với bố trí cán bộ phù hợp, tương xứng với công việc. Văn phòng cũng cần rà soát, sửa đổi quy chế, quy trình công tác, đảm bảo đơn vị thực sự được “nâng cấp”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Các công việc cần được “nâng tầm”, nhất là công tác tham mưu phải “chiến lược, sâu sắc, trí tuệ, nhạy bén,” phải là “túi khôn” của Đảng. Công tác phục vụ phải “chuyên nghiệp, khoa học, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn cách mạng quan trọng.




Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Văn phòng Trung ương Đảng sáng 19/12. Ảnh: TTXVN

Tổng Bí thư đề nghị trong năm 2025 Văn phòng Trung ương Đảng sớm xây dựng, hoàn thiện dự thảo các Văn kiện Đại hội 14 và sau đại hội để Nghị quyết đi vào cuộc sống. Cơ quan tham mưu phải giúp lãnh đạo “nghĩ sớm và lo xa”. Việc ban hành các văn bản chỉ đạo của Đảng cần theo hướng rõ quan điểm, nội dung, rõ người, rõ việc; chủ trương, chính sách phải phù hợp với nguồn lực thực hiện và mục tiêu có thể định lượng. Các văn bản chưa sát thực tiễn cần kịp thời điều chỉnh, bổ sung.

Theo báo cáo của Văn phòng Trung ương Đảng, năm 2024, tỷ lệ giải quyết các đề án của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cao nhất từ trước tới nay. Nhiều vấn đề tồn đọng, vấn đề mới chưa có tiền lệ đã được giải quyết hiệu quả, trong đó có 3 đề án, dự án lớn của Đảng.

Công tác quản lý tài chính, tài sản và đầu tư xây dựng có đổi mới; các doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm và nghĩa vụ nộp ngân sách, bảo đảm thu nhập cho người lao động.


Viết Tuân

Nguồn