Lời thưa trước
1. Cuộc “đụng đầu” lịch sử hay chủ đề Nghệ thuật để đời ?
- Năm 1858, quân viễn chinh Pháp đổ bộ vào Việt Nam;
- Thực dân Pháp sớm nhận biết số phận Đông Dương thuộc địa của họ hoàn toàn do chiến trường Bắc bộ quyết định;
- Sự lựa chọn của Bác Hồ, Tổng quân uỷ và Đại tướng tổng tư lệnh: Sau phiên họp cuối Thường vụ Trung ương trước ngày Toàn quốc Kháng chiến, Bác giữ Anh Văn lại hỏi riêng: Liệu ta giữ Hà Nội được bao lâu? – Trả lời: Một tháng, nông thôn thì lâu hơn, còn vùng núi chắc chắn ta giữ được. Cuối 1953, giặc Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, lập tập đoàn cứ điểm. Không ngờ sa vào cái bẫy giăng sẵn của các nhà cầm quân thiên tài Việt Nam.
- Sự vươn mình của các dân tộc thuộc địa và thế giới thứ ba sau trận Điện Biên Phủ phát quang ảnh hưởng lớn lao của nó trong lịch sử Thế giới hiện đại. Tính ra cuộc “đụng đầu” Lịch sử này kéo dài đằng đẵng 96 năm trời, với muôn vạn người Việt đầu rơi máu chảy.
2. Cái khó của Kiến trúc sư hôm nay
Khi thiết kế công trình cho Điện Biên, thường kiến trúc sư phải cất công tìm hiểu lịch sử để khai phóng ý tứ. May thay, anh (hay chị em) ta đã sẵn cẩm nang. Đó là “…Một dân tộc thuộc địa bị áp bức, khi đã biết đứng dậy đoàn kết đấu tranh, kiên quyết chiến đấu cho độc lập, tự do và XHCN thì có đầy đủ khả năng để chiến thắng quân đội xâm lược hùng mạnh của một nước Đế quốc chủ nghĩa” (Lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Từ lời dạy của Đại tướng suy ra, mỗi chứng tích lịch sử Điện Biên Phủ đều chứa đựng xiết bao thiêng liêng cao cả và rất cần phải được bảo tồn tôn tạo bằng nghệ thuật chân chính. Là nói vậy thôi, chứ đất đai 49 cứ điểm tuy nhỏ bé so với 64 km² của TP Điện Biên (năm 2009), nhưng lại thuộc phần đất đẹp nhất thung lũng Mường Thanh là cả thuân lợi lẫn khó khăn với bất kỳ dự án kiến trúc đô thị nào. Chỉ hơn ba năm sau ngày hòa bình lập lại, năm 1958), đất đai chiến trường xưa đã được giao cho một nông trường Quân đội. Chưa kể hàng vạn đồng bào từ nhiều thôn bản ở Mường Thanh, và cả từ dưới xuôi lên đây làm ăn sinh sống. Sau chừng ấy năm nhà cửa san sát, đất dân sinh thôn tính đất di tích là điều hiển nhiên. Thành thử việc bảo tồn hiện nay cũng chỉ tập trung vào số di tích nổi bật: Đồi A1, C1, C2, D1, cứ điểm Hồng Cúm, Him Lam, đồi Độc Lập, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm De Castrie.
Sau khi tìm hiểu một vài “sự đã rồi”, tôi xin có ý kiến, như sau: các quy hoạch Điện Biên trước đây, nhiều ít gì cũng chừa lại khoảng đất trời tùng tiệm cho những di tích quan trọng, không làm tổn thương đến khởi nguyên của chúng. Thiết nghĩ, dù đồng thuận hay không thì chúng ta nên cảm thông với các quy hoạch gia thời xa vắng. Thành phố Điện Biên nằm ở đâu, nếu không phải ở cánh đồng Mường Thanh? Vấn đề ở chỗ: một bên là khu di tích luôn chỉ được bảo tồn bằng “Lịch sử dậm chân tại chỗ” và bên kia là sự bùng phát khó lường của đô thị hiện đại. Thể theo nhu cầu tăng trưởng kinh tế – xã hội rất chính đáng và rất cấp thiết của tỉnh Điện Biên, mà cho đến hôm nay vẫn là một tỉnh nghèo của nước nhà. Và một thực tế nữa, đã nhiều năm qua, nhân dân toàn tỉnh đã “Chung tay góp sức xây dựng Thành phố Điện Biên Phủ trở thành một trong những đô thị trung tâm của vùng Tây Bắc” (Lời Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ, ngày 17 / 4 / 2012).
Sẽ xuất hiện cách ứng xử, mà tôi gọi là ứng xử nghề nghiệp tại chỗ của Kiến trúc sư, khi anh ta bắt tay thiết kế một ngôi nhà, một khóm dân cư, một công trình công cộng hay tòa trụ sở nào đó trên đất Điện Biên. Chắc hẳn, anh sẽ gắng công làm cho các công trình ấy, thậm chí từ mỗi viên gạch xây nên chúng đều chung một khát vọng: Góp phần giảm thiểu những gì tổn hại đến hình vóc và tinh thần bất diệt của chiến trường Điện Biên Phủ. Điều đó khác chi chuyện “lấp lỗ châu mai” (ví von một tí cho có “vẻ” Điện Biên). Và, người chịu trận không ai khác ngoài kiến trúc sư công trình, hoạ sĩ, nhà điêu khắc – những người đi trước về sau trong mỗi dự án. Rất có thể, họ làm được việc cần làm, vì kiến trúc lịch sử chỉ đóng cửa với những ý niệm hời hợt, héo hon còn thì bao giờ chả hoan nghênh nghệ thuật chân chính. Một thực tế nữa, công chúng luôn đòi hỏi một Điện Biên mới sang trang nơi chính các nghệ sĩ. Đồng thời, họ lại cũng rất muốn biết cái mới ấy có gì bứt phá từ kinh nghiệm của các nghệ sĩ tiền bối, nhất là thế hệ vàng – Nghệ sĩ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Ngày nay, mỗi Kiến trúc sư, dù đêm ngày chăm chỉ đào luyện tay nghề, khao khát kiến văn thì cũng phải sau hang thập kỷ mới có thể đến gần chân lý Điện Biên. Rồi từ đó, trên đường nghệ thuật anh ta còn phải hứng chịu không ít rủi may. Không khéo, sẽ đệ trình cho công chúng thứ biểu hiện xoàng xĩnh, mà như chúng ta thấy hôm nay, đang lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật, giữa “Tập đoàn cứ điểm Tác phẩm” ngổn ngang đất này. Thiết nghĩ, mỗi kiến trúc sư, điêu khắc gia hay hoạ sĩ khi chăm bẵm ý tưởng nghệ thuật cho Điện Biên Phủ, anh ta không tránh khỏi hai việc:
a) Bổ sung những gì mà lịch sử còn thiếu
Xin nói luôn, lịch sử và lịch sử nghệ thuật không thiếu bất kể thứ gì thuộc về chúng, cũng như không bao giờ chấp nhận cái không thuộc về chúng. Cái thiếu sinh ra bởi hậu thế đã chuyển sang sống ở một thời đại khác với thời đại Điện biên. Mà thời gian thì ghê gớm lắm: Không những bào mòn bia đá, mà còn xóa mờ nhận thức mỗi người, làm thất thoát kho báu kinh nghiệm sống và chiến đấu của các anh hùng liệt sĩ. Cái thiếu còn ở chỗ, sự xuất hiện muộn màng của những nghệ sĩ, kiến trúc sư tâm huyết và đủ khả năng bổ sung những gì mà lịch sử còn thiếu. Ví dụ bên lề: Cuộc chiến tranh Vệ quốc đánh đuổi Napoleon của người Nga khải hoàn từ 1812, thế mà phải 57 năm sau họ mới có một tiểu thuyết “Chiến tranh và Hòa bình”. Đến tận hôm nay, người đọc tiểu thuyết ấy vẫn được hưởng những mô tả rất chính xác diễn biến trận Borodino, chính xác đến từng loạt đại bác, từng đợt xung phong, từng anh lính ngã xuống…Nhiều người biết đâu rằng tác giả “Chiến tranh và Hòa Bình”, đã từng rong ruổi trên lưng ngựa hàng tháng trời thị sát, ghi chép, thiếu điều vạch vòi từng mô đất bụi cây nơi chiến trường xưa và đối chiếu với từng nhật lệnh chiến đấu của tổng hành dinh quân Nga. Nhưng đấy là L.N. Tolstoi, là nước Nga, là Văn học – Và đối với họ, như thế vẫn là sớm vì mãi 150 năm sau công trình kiến trúc Bảo tàng Borodino mới được xây dựng. Và như tôi đã nói, trên đây là ví dụ bên lề. Có điều về nghề nghiệp thì chung nhau. Khi thiết kế cho Điện Biên Phủ, Kiến trúc sư nào ứng xử theo tình nghĩa chính sử, sẽ có cơ thành công. Kiến trúc, mỹ thuật đi trước về sau, là vậy.
b) Thổi hồn sống cho quá khứ Điện Biên
Đó không gì khác ngoài trang vàng chống xâm lăng của Việt Nam ngàn năm. Và còn nữa, pho giáo khoa sáng giá của lịch sử chiến tranh hiện đại. Một khi biểu hiện được ý nghĩa sâu sắc của cuộc đụng đầu lịch sử thì quá khứ hào hùng hẳn sẽ hiện về. Những tìm hiểu về địch còn giúp cho việc bảo tồn tôn tạo Tập đoàn 49 cứ điểm sát thực hơn. Còn đó hình bóng bao người con ưu tú của dân tộc vào sinh ra tử trận mạc Điện Biên. Họ từng xuất hiện trong tranh vẽ, ký họa, điêu khắc, đồ họa, thi ca, âm nhạc của các nghệ sĩ Dân chủ Cộng hoà, bao giờ cũng hào sảng, bao giờ cũng đẹp. Mà hầu hết tác giả đều là người trong cuộc kháng chiến, từng có mặt ở Điện Biên Phủ ngày ấy. Tác phẩm của họ giản dị, không to tát nhưng lớn lao tầm vóc đất nước con người. Ở đấy, hậu thế như nghe rõ tiếng gầm đại bác của quân ta, như đang chứng kiến trận giáp la cà đẫm máu. Lại như cảm nhận đâu đây lẩn quất mùi thuốc súng, mùi xác giặc thối rữa trong hầm chúng cố thủ…Nếu được vậy, kiến trúc, mỹ thuật dành cho Điện Biên không lời đấy mà có thể da diết, cháy bỏng, xoáy sâu tâm can người ta nhường nào. Một ví dụ trái chiều: Vì quá bươn chải trong dăm ba kiểu dáng đình chùa, đền miếu mà có người đã biến Khu di tích ATK Định Hóa (mới xây dựng xong) thành một đại Phật viện không hơn không kém. Biết nói sao đây?! Thì ra anh – Nhà kiến trúc, luôn phải xả thân “giữa hai làn đạn”: chủ nghĩa hình thức và nghệ thuật của riêng mình.
Nhận diện kiến trúc, mỹ thuật Điện Biên
Ý kiến nảy sinh khi tôi có may mắn được sở thị cả một “tập đoàn cứ điểm” vô số tác phẩm kiến trúc, tạo hình mô phỏng, tái tạo Điện Biên Phủ. Những tác phẩm mà liên tục trong nhiều thập kỷ qua được anh em kiến trúc sư, nghệ sĩ, nghệ nhân cùng bà con Điện Biên và cả nước đồng tâm hiệp lực đắp đổi.
1. Về các hạng mục kiến trúc
a. Nhóm các công trình bảo tồn và hiện vật trưng bày: Xin phép bỏ qua nội dung này. Phần vì các thiết kế công trình bảo tồn và hiện vật trưng bày tuy liên can ít nhiều đến ngành kiến trúc, nhưng thiên về kỹ thuật phục chế. Tuy vậy, cũng dẫn ra đây một cách ứng xử bảo tồn hiện vật trưng bày ở Điện Biên: Việc sử dụng thiết bị che chắn gây ảnh hưởng đến hiện vật siêu trường siêu trọng. Ví như cái xe tăng, đống sắt thép thật to, mà mới đây được chụp lên cả một cái phương đình. Thành thử đứng ngắm nó từ bất cứ góc nhìn nào cũng thấy tức “anh ách”. Chẳng bằng di dời luôn cái xe tăng vào nhà trưng bày, thì chí ít khách tham quan còn có thể cảm nhận nó như cảm nhận một chú khủng long phục dựng trong bảo tàng Tự nhiên học. Còn nếu vẫn để ngoài trời thì thiếu gì cách gìn giữ. Gần 130 năm qua, chỉ cần sơn chống gỉ mà tháp Eiffel của nước Pháp vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt đấy thôi. Chưa kể còn vô số công nghệ ưu việt khác. Theo tôi, về nguyên tắc, việc làm nhà che chắn cho hiện vật nhiều khi cần thiết, có điều nên cân nhắc; bởi khi ấy trong tổng thể thị giác dành cho toàn bộ hệ thống tập đoàn cứ điểm di tích thì tòa nhà che chắn hiện vật bảo tồn trưng bày siêu trường, siêu trọng hoặc là sẽ tỏ ra tiêu cực hoặc là khả dĩ chấp nhận được. Chỉ cần một giải pháp sơ ý, một thao tác bất cẩn hoặc sự “tranh khôn” giữa kỹ thuật và nghệ thuật, rất có thể biến hiện vật trưng bày thành văn bia tự nhiên chủ nghĩa, thậm chí cái bài vị kếch xù không ra hình thù gì.
b. Về ba công trình xây dựng
- Bảo tàng Điện Biên Phủ (1984): Tòa nhà này làm vào thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế đất nước sau ngày Thống nhất. Lại không được hưởng viện trợ trực tiếp từ nước ngoài, như một số công trình khác cùng thời. Có lẽ nó đã được khánh thành trong sự phiền lòng của nhà đầu tư và người thiết kế. Thế nhưng cả họ lẫn công chúng phải đợi đến ba mươi năm sau mới được chiêm ngưỡng bảo tàng mới thay thế cho công trình “nhà khung Tiệp” xây tường gạch bao che, ngày ấy.
- Nghĩa trang A1 (1993 – 1994): Xin thưa trước, mọi bình phẩm về nó giờ đây chỉ mang ý nghĩa “nhớ lại và suy nghĩ”. Có thể là hồi ấy các dự án trích đoạn chiến địa, cứ điểm ác liệt đã làm người ta tạm yên tâm mà sao nhãng một điều: Hệ thống biểu trưng số một – Tập đoàn cứ điểm với toàn bộ không gian chiến sự, hình hài địa tầng, hình ảnh trên mặt đất cần được bảo tồn tối đa. Dường như nghĩa trang được xây dựng to đẹp một cách cố ý, áp đảo cả đồi A1 danh tiếng lẫn tập đoàn 49 cứ điểm. Người viếng mộ ngỡ như mình đang đứng trước Thăng Long thành mà cửa Đại Hưng là… Ô Quan Chưởng?! Lại thêm các dãy tường đều không trổ cửa, lấy chỗ thể hiện phù điêu liên hoàn. Đã thế, lại còn hào nước trước tường thành nữa. Xin lỗi, không rõ hào nước này được đào từ đầu theo thiết kế hay đào về sau, trong dịp trùng tu. Dù thế nào thì các nhà xây dựng ở Điện Biên đã phạm phải một điều tối kỵ cả về kiến trúc lẫn môi trường. Ai lại đi đào hào nước sâu hơn ba tấc đất mồ mả bao giờ? Ví thử năm xưa người Pháp xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ như một pháo đài phòng thủ kiểu Vauband, thì hình thức nghĩa trang A1 như trên phần nào khả dĩ, tuy gượng. Đằng này bốn bề tập đoàn cứ điểm chỉ toàn dây thép gai. Sự phòng thủ của nó không cần dựa vào cấu trúc vaubant Âu tây hay la thành phương Đông mà trông cậy vào tính duy lý viễn chinh xâm lược với binh hùng tướng mạnh, bạt ngàn xe tăng, tàu bay, đại bác.
- Bảo tàng Điện Biên Phủ (khởi công tháng 10 / 2012): Để nói về công trình này, xin phép mào đầu bằng tưởng tượng của tôi – Đó là, mọi thiết kế, tô điểm nhất nhất hướng về mục tiêu tối thượng: Biểu hiện cái sâu rễ bền gốc của chiến thắng Điện Biên. Sao cho, biểu trưng dễ len lỏi giữa bao điều tự vấn, làm xáo động tâm can khách tham quan. Kể từ cái nhìn đầu tiên cho đến khi họ ra về. Đến đây, tôi chợt nhớ một công trình nổi tiếng ở Mozaisk, Moskva: Bảo tàng Quốc gia – Toàn cảnh Trận chiến Borodino. Hơi dài dòng một chút vì tôi nghĩ, dù có thể trong nhiệm vụ thiết kế “Bảo tàng lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ” không thấy có chữ “Quốc gia”, thì anh chị em kiến trúc sư chúng ta sẽ vẫn không bỏ sót nét vẽ nào đặng noi theo tinh thần ấy. Nói thêm ý tưởng thiết kế bảo tàng Borodino cũng thăng hoa từ cái mũ của người lính cận vệ Nga thời xưa. Đặc biệt là tranh tròn Toàn cảnh Trận chiến Borodino, mà những ai đã một đôi lần được sở thị thì ngộ ra rằng bố cục bảo tàng Borodino (hoàn thành 1962) hoàn toàn ăn theo Toàn cảnh Trận chiến Borodino của hoạ sĩ Franz Roubaud (1856 – 1928) hoàn thành 50 năm trước đó nhân kỷ niệm 100 năm (1812 – 1912) cuộc Chiến tranh Vệ quốc của người Nga. Nói thêm Roubaud là Hoạ sĩ Cung đình triều đại Romanov, người khai sinh ra thể loại tranh tròn lừng lẫy châu Âu. Quan trọng hơn, ông là một bậc thầy lỗi lạc Tân cổ điển Nga. Khỏi nói, ở bảo tàng Borodino cả kiến trúc sư lẫn họa sĩ đều cùng về đích – Cái đẹp. Trường hợp Bảo tàng Điện Biên phủ của ta có khác, nhà xây xong rồi, tiếp đó mới thể hiện tranh tròn…
2. Về các tác phẩm tạo hình trưng bày
Phần vì không có thời gian, phần vì bản thân tôi trước giới mỹ thuật chỉ là “kẻ ngoại đạo”. Nhưng tự thấy có trách nhiệm vòng vo mấy lời về hàm lượng sự thật hay biểu trưng cho sự thật của chúng tại quần thể kiến trúc tưởng niệm Điện Biên Phủ. Một đằng là thực tế lịch sử bằng xương bằng thịt, một đằng là sự thăng hoa của nó trong xã hội đương đại. Thế nhưng, chính các tác phẩm mà chúng ta sắp đề cập dưới đây lại gợi nên trong lòng lòng khách tham quan Điện Biên Phủ không ít băn khoăn. Mà lại là các điêu khắc chủ chốt, hay họa phẩm đại bút mới càng xót ruột.
Xin nêu mấy thực chứng:
Các nhóm điêu khắc, tượng đài hoành tráng
Hầu hết là quần tượng, hầu hết được các tác giả dàn trải nội dung và tả thực. Trong đó đáng kể là số tác phẩm tả thực – biểu hiện (Expressional realism), tả thực – kiểu cách (mannerist realism). Khỏi nói đây là cách làm phù hợp và ít rủi ro.
- Tượng đài Chiến thắng Điện Biên phủ: Chúng ta không nhắc lại những ý kiến nội bộ ngành điêu khắc về tượng đài này. Ở đây bộc lộ ra một tiêu biểu chung, không những cho Tượng đài D1 mà còn cho một số Tượng đài tưởng niệm hoành tráng, to lớn nhất đất nước mới được làm gần đây. Đó là khi đã sở hữu trong tay một bức tranh đẹp (tạm ví như thế) người ta đã không quan tâm đến cái khung tranh.
- Tượng đài Hai bà mẹ và người lính: Có cần thiết hay không mà ở đây tác giả vận dụng tỉ lệ Ai Cập cổ, lại thêm tô màu vàng ròng cho nhân vật?
Giả sử ta chia nghĩa trang A1 ra làm hai phần. Phần “triều”, gồm quảng trường, sân rộng đè trên thần đạo và phần “tẩm” – khuôn viên quy tập mộ liệt sĩ. Thì thấy, nhóm tượng đài hai bà mẹ và người lính cùng nhiều pho tượng màu vàng ròng khác được đặt ở phần “triều” của nghĩa trang. Là người ngoại đạo, chúng ta khó lòng đọc vị nghệ thuật của điêu khắc gia. Nhưng anh chị em kiến trúc sư chúng ta lại biết chuyện người nước Nam mình xưa nay để mồ để mả phong thủy lắm. Lại cũng biết cái ánh vàng ròng của những pho tượng đặt ở phần “triều” của Nghĩa trang A1 chắc chắn khiến người ta liên tưởng đến những tia nắng mặt trời nóng nôi chói loá. Đó là trạng thái khí dương mà chỉ chốn trần ai mới dung nạp. Đến như chỗ khám thờ, dù có hay không bày tượng vàng người ta cũng phải đóng khung bao lam tuyền che mành sáo hay rủ trướng nữa là…Với khách tham quan thì chẳng sao, nhưng với những hương hồn anh hung liệt sĩ, nói duy tâm một tí, khó tránh khỏi bị khuấy động, bất an.
- Quần tượng Đại tướng đọc thư Bác (công viên Mường Phăng): Quần tượng này quả thực đông người. Một bên là các cán bộ chiến sĩ ngoài mặt trận, một bên là các đại diện tối cao thay mặt cho tổ chức đã dìu dắt họ đến thắng lợi vinh quang. Đối với công chúng, hình ảnh thực tại: Đại tướng đọc thư khen, mọi người lắng nghe. Trên cao có sự đồng hiện lãnh tụ Hồ Chí Minh trong bảng tròn (nhấn mạnh cao cả thiêng liêng)… thì có lẽ chưa đủ. Công chúng nghệ thuật có quyền được biết trước lúc nhận thư khen bộ đội, dân công hỏa tuyến Điện Biên đã sống và chiến đấu như thế nào. Chân ướt chân ráo từ chiến hào máu trộn bùn non, từ cõi chết trở về Mường Phăng ra sao…
Tranh tường, tranh vẽ. Xin lỗi vì tôi mạo muội, nhưng không thể không nói về mảng hội họa ở bảo tàng Điện Biên Phủ. Vì đâu như có người mách bảo: Chỉ cần vài bức tranh (tất nhiên là tranh chân thành với lịch sử và được thể hiện tốt) cũng đủ thay thế pho sử dày cộp.
- Bức tranh Kéo pháo: Có lẽ tác giả trăn trở ít nhiều trước khi vung đại bút. Lớp nền đằng sau kể về một tiểu đội gần khẩu pháo nhất, các chiến sĩ tầm vóc quá nhỏ bé so với khẩu pháo (bộ đội Vệ quốc đoàn đâu có thế). Thôi thì cứ cho rằng làm vậy để tôn vinh tinh thần quyết thắng. Thế nhưng vấn đề lại nằm ở nhân vật (tượng) duy nhất, được xếp đặt ngay sát bức tranh, và (tôi nhấn mạnh) theo ý đồ bố cục hội họa của bức tranh Kéo pháo. Phải chăng làm vậy nhằm đề cao biểu trưng, lại có thể phiên phiến bếp núc kinh dinh? Tiện thể nói phong cách “liên hiệp hội họa – điêu khắc” độc đáo này khá phổ biến ở nhà trưng bày Điện Biên Phủ. Và dường như có sự đồng thời đặt hàng họa sĩ và nhà điêu khắc, trên cơ sở nội dung bức tranh khổ lớn. Lại nói, trong “liên minh”, ấy dáng dấp bức tượng chẳng ra kéo pháo, chẳng ra đẩy pháo lại càng không phải đang lĩnh xướng dô ta. Mà có thể là người từ đơn vị bạn sang làm thị phạm (nhưng không chuẩn)! Còn công chúng tò mò muốn biết anh này là chỉ huy hay chiến sĩ thì đành chịu. Vì người ấy (pho tượng) diện áo-trấn-thủ-dài tay, là thứ từ ngày thành lập đến nay chưa bao giờ Quân đội nhân dân Việt Nam cấp phát.
- Bế Văn Đàn: Tranh này được dàn dựng ở góc trái một bức tường của gian bảo tàng. Bố cục tranh đơn giản, thuận hướng đường đạn chéo cánh sẻ, làm nền cho anh Đàn và anh Pù ở tiền cảnh. Khổ nỗi cả hai anh lại vẫn diện áo trấn thủ dài tay? Anh Đàn thì không nhìn theo hướng đường đạn (vả lại bản thân anh lúc đó bị thương nặng lắm rồi). Anh Pù thì ngắm vào đâu đó quãng bả vai phải anh Đàn, nên chắc chắn không thấy được hỏa điểm của địch. Mà có thấy anh Pù cũng không bắn được, vì chẳng có ngón tay nào của anh để gần cò súng. Hơn nữa anh lại dùng động tác bắn súng trường (cũng sai nốt) để tác xạ trung liên…
- Phất cao cờ Quyết chiến Quyết thắng: Đề tài này xưa nay thường được cho là có sức nặng. Nhưng không hiểu sao họa sĩ lại vẽ cả lá cờ (kiểu “hổ tàng thần”) lẫn người cầm cờ đang trong tư thế…đón nhận Huân chương. Còn đâu là cái dữ dội bi tráng, cái hào hùng đến vỡ òa của buổi chiều 7/5/1954 ngày xưa ấy. Tôi có một ý nghĩ ngây thơ rằng kể cả bức tranh Phất cao cờ Quyết chiến Quyết thắng lẫn các đại bút nêu trên góp lại, chưa chắc đã ăn đứt biểu trưng và tình cảm thắm thiết về Điện Biên như ở mấy bức ký họa mặt trận, các tranh cỡ nhỏ, kể cả các hình trang trí, bố cục trên huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” mà hoạ sĩ Mai Văn Hiến và hoạ sĩ Nguyễn Bích là đồng tác giả…Tôi nghĩ thế không hẳn chỉ vì lẽ các họa sĩ lão thành ấy đều đã từng là chiến sĩ Điện Biên, và từng đã có người ngã xuống.
3. Về bia ký
Các kiểu dáng bia ký cũng không là nỗi phiền lòng của khách tham quan. Ở Điện Biên Phủ cần dựng nhiều bia ký là lẽ đương nhiên vì riêng số cho quần thể tập đoàn cứ điểm đã là 49 rồi…Tùy trường hợp có thể làm bia hẳn hoi, có thể làm bảng chỉ dẫn nhưng nhất thiết không được làm tổn hại đến hình tượng nghệ thuật. Mà điển hình là hai tấm bảng đồng – bia đá tổng hợp khá đồ sộ so với Sở chỉ huy Mường Phăng (may sao đã được chuyển dịch đi rồi).
Còn lại là những ví dụ không vui: Có tác phẩm như Bia – chỉ dẫn hầm tướng de Castrie, được làm lớn, tạo tác công phu nhưng có vẻ không ổn vì phần trang trí quá thừa thãi. Bên dưới, góc phải (dán cái ảnh) thể hiện kiểu phù điêu de Castrie cùng đám tâm phúc sống sót vừa bước ra cửa hầm đầu hàng. Trên nóc hầm (góc trái) thì có hình người phất cờ Quyết chiến Quyết thắng cũng dưới dạng phù điêu. Và đương nhiên, giữa hai hoạt cảnh ấy là phù điêu mô tả chi tiết hầm cố thủ A1. Chẳng lẽ tác giả bia – chỉ dẫn này muốn lấy nghệ thuật của mình ganh đua với lịch sử bằng xương bằng thịt đang hiện hữu tại đó? Còn vài tác phẩm trông không ra cột cây số, không ra cột lưu niệm ở đầu cầu Thăng Long. Lại có tác phẩm được dàn dựng theo phong cách “chuông nguyện hồn ai” như ở nghĩa trang D1…
Thay lời kết
May sao, có thể chia sẻ vài điều về Điện Biên Phủ và phát biểu nghề nghiệp với anh chị em ngành Kiến trúc, Mỹ thuật. Chúng ta có thể tin tưởng vào sự nghiệp bảo tồn tôn tạo Điện Biên nhờ mấy nguồn lực:
- Thứ nhất, trước đây cũng như về sau di tích lịch sử Điện Biên Phủ mãi mãi sống trong lòng Dân tộc, luôn được cả nước toàn tâm, toàn ý coi sóc không sẻn tiếc.
- Thứ hai, trước mắt chúng ta đây, đã từ nhiều năm hiện hữu vô số kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật – những sáng tác của không chỉ một thế hệ nghệ sĩ. Đó là những bài học kinh nghiệm rất thiết thực đối với sáng tác cho Điện Biên từ nay về sau.
- Thứ ba, công cuộc bảo tồn, tôn tạo Điện Biên Phủ chưa bao giờ sở hữu được một đội ngũ đông đảo các kiến trúc sư, nghệ sĩ tạo hình vững tay nghề như hôm nay. Những người luôn sẵn sàng và đầy tâm huyết, muốn lấy nghệ thuật của mình góp phần di dưỡng tinh thần Điện Biên trong thời đại xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Thứ tư, còn đó đất nước con người Tây Bắc, còn đó thiên sử thi Điện Biên thì còn đó người thầy cao cả luôn chỉ bảo, nâng đỡ Kiến trúc sư chúng ta vươn tới thành công nghệ thuật.
Và, sau cuối là bày tỏ cá nhân.
Nếu cho rằng, những tưởng tượng của tôi là chuyện bao đồng, thì mong các đồng chí bỏ quá cho. Vì, trước sau gì cũng chỉ thôi thúc trong tôi một niềm tin yêu hướng về đồng nghiệp Kiến trúc sư, điêu khắc gia, hoạ sĩ. Và rằng, kỳ vọng ấy còn thôi thúc một ngày mai – Ngày mà chúng ta sẽ có không chỉ một quần thể Điện Biên Phủ mà nhiều quần thể khác, kiến trúc tưởng niệm khác tới được cái mạch lạc, cái đẹp thiêng liêng thật riêng Việt Nam. Chợt nhớ đến Qua miền Tây Bắc (của nhạc sĩ Nguyễn Thành) và Giải phóng Điện Biên (của nhạc sĩ Đỗ Nhuận) – Khúc dạo đầu và Đoạn kết bất hủ lừng lẫy Năm châu chấn động Địa cầu. Bất giác tôi cất tiếng hát khe khẽ…
KTS. Đoàn Khắc Tình – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc