Thị Trường

Việt Nam tiến vào kỷ nguyên AI

Ngày 20.11 vừa qua, Tập đoàn Vingroup thông báo chính thức thành lập Công ty CP Nghiên cứu phát triển và ứng dụng người máy VinRobotics, với vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng. VinRobotics hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các giải pháp tự động hóa, robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI). Công ty chuyên sản xuất và tích hợp các sản phẩm người máy và robot thông minh, nhằm cung cấp các giải pháp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và đời sống. Việc thành lập VinRobotics là một bước đi quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp – công nghệ cao, một trong 3 trụ cột cốt lõi của Tập đoàn Vingroup, bên cạnh Thương mại dịch vụ và Thiện nguyện xã hội.

Hiện tại, Vingroup đang dẫn đầu VN trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, với thương hiệu VinFast; các công nghệ thông minh trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn với các thương hiệu VinBigdata, VinAI, VinBrain… Hầu hết các công ty liên quan công nghệ đều đã nghiên cứu và phát triển ứng dụng AI với nhiều bước tiến đáng kể.

Việt Nam tiến vào kỷ nguyên AI- Ảnh 2.

Công nghệ nhận diện khuôn mặt VnFace của VNPT được ứng dụng tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam (năm 2023)

Cũng như Vingroup, lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn FPT tuyên bố “đặt cược” vào AI. Tại sự kiện FPT Techday 2024 diễn ra vào ngày 14.11, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, cho biết tập đoàn đang làm việc với một doanh nghiệp (DN) rất lớn tại Đức trong một dự án ứng dụng công nghệ AI. Việc ứng dụng AI có thể giúp tiết kiệm 60% chi phí trong giai đoạn triển khai… Mới nhất, FPT đã rót vốn xây dựng nhà máy AI ở VN và Nhật Bản. Ngoài ra, những AI studio được triển khai sẽ giúp khách hàng xử lý dữ liệu, huấn luyện mô hình để hệ thống học không ngừng và ngày càng cải thiện… Tất cả những điều đó cho thấy quyết tâm phát triển lĩnh vực AI của tập đoàn này.

Trước đó, giữa tháng 9 vừa qua, Tập đoàn công nghệ CMC công bố chiến lược chuyển đổi AI đầy tham vọng. CMC không chỉ đóng vai trò tiên phong về công nghệ, mà còn đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục, điển hình là sự ra đời của Trường đại học CMC với mô hình Đại học AI mới công bố cuối tháng 7.2024. Đây là một bước tiến quan trọng, giúp hoàn thiện hệ sinh thái số của tập đoàn và góp phần quan trọng vào việc đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao cho nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Việt Nam tiến vào kỷ nguyên AI- Ảnh 3.

Tập đoàn Vingroup đã có nhiều đầu tư cho lĩnh vực AI

Có thể nhận thấy, việc phát triển và ứng dụng AI đang diễn ra ở nhiều DN trong các ngành nghề khác nhau. Có thể kể đến như Tập đoàn Viettel đã phát triển và ứng dụng AI trong các ngành viễn thông, ngân hàng và khu vực công, phục vụ các nhu cầu của DN, cải thiện đáng kể năng suất lao động. MobiFone phát triển và cho ra mắt sản phẩm MobiAI – Kho ứng dụng AI tiên phong tại VN với hơn 160 sản phẩm, với mục tiêu giúp người dùng tiếp cận công nghệ AI nhanh chóng, dễ dàng với chi phí thấp.

Mới nhất, ví điện tử MoMo cũng công bố trở thành “Trợ thủ tài chính với AI”. Theo đó, MoMo tập trung mang các dịch vụ tài chính đến nhóm khách hàng chưa được phục vụ – những người dùng ít có cơ hội tiếp cận với tài chính truyền thống – qua đó bình dân hóa tài chính và thúc đẩy chuyển đổi số… Theo ông Thái Trí Hùng, Giám đốc công nghệ của MoMo, công ty này có đến 200 kỹ sư data/AI, ngân sách đầu tư cho data/AI chiếm đến hơn một nửa ngân sách công nghệ. Với sự kiên trì cùng niềm tin là AI sẽ thay đổi thế giới như cách mà làn sóng di động đã diễn ra, thậm chí khi ChatGPT ra đời vào cuối năm 2022, MoMo đã quyết tâm áp dụng công nghệ này vào sản phẩm dù phải “đập” hết những gì đã làm được từ các năm trước đó, chấp nhận bắt đầu lại và thay đổi: từ cách tiếp cận, công nghệ, cách thức triển khai…

Việt Nam tiến vào kỷ nguyên AI- Ảnh 4.

MoMo công bố là Trợ thủ tài chính với AI

Việt Nam tiến vào kỷ nguyên AI- Ảnh 5.

Dù không nổi đình nổi đám nhưng các dịch vụ, giải pháp của những DN Việt đã từng bước được ghi nhận trong nước và thế giới. Chẳng hạn, tại sự kiện InCabin châu Âu 2024 (sự kiện hàng đầu về công nghệ giám sát trong buồng lái) tại Tây Ban Nha trong tháng 10 vừa qua, Công ty VinAI đã giới thiệu DrunkSense, công nghệ phát hiện tình trạng lái xe khi say rượu mà không cần máy đo nồng độ cồn đầu tiên trên thế giới. Nhờ ưu điểm vượt trội so với máy đo nồng độ cồn truyền thống như hoạt động liên tục, không cần tương tác của con người, DrunkSense có thể đưa ra cảnh báo hoặc can thiệp kịp thời, ngay cả khi nồng độ cồn trong máu của người lái dưới mức giới hạn cho phép… Hay một đơn vị khác cũng thuộc Tập đoàn Vingroup là Công ty CP VinBigdata đã vượt qua 144/153 giải pháp nhận diện khuôn mặt trên thế giới để lọt vào Top 10 thế giới ở hạng mục nhận diện khuôn mặt Mugshot Webcam, bảng xếp hạng Đánh giá công nghệ nhận diện khuôn mặt mới nhất do Viện Tiêu chuẩn và công nghệ quốc gia Mỹ công bố mới đây.

Việt Nam tiến vào kỷ nguyên AI- Ảnh 6.

Người trẻ trải nghiệm các sản phẩm công nghệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo

Trước đó vào tháng 5.2024, sản phẩm ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt của VinBigdata cũng đạt chứng chỉ toàn cầu của iBeta (thành viên hiệp hội FIDO – Liên minh Xác thực trực tuyến thế giới) về khả năng nhận diện người thật, phát hiện giả mạo danh tính với sai số vô cùng ấn tượng ở mức 0%. Cũng trong tháng 5, sản phẩm AI đầu tiên của VN đạt chuẩn FDA ở hạng mục phân tích ảnh X-quang tuyến vú, chính thức được phép kinh doanh hợp pháp tại thị trường Mỹ do VinBigdata thực hiện… Với việc tự chủ công nghệ và chinh phục được các chứng chỉ uy tín quốc tế, VinBigdata đã và đang nỗ lực hoàn thiện hệ sinh thái sản phẩm AI “made in Vietnam” với chất lượng vượt trội, chứng minh công nghệ lõi thuần Việt hoàn toàn có khả năng sánh ngang với các sản phẩm công nghệ của thế giới.

FPT cũng hợp tác với các công ty, tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới để đưa các mô hình – thuật toán AI tốt nhất trên thế giới về VN. Hiện FPT cũng đã hình thành được hệ sinh thái AI với 40 sản phẩm, giải pháp, cho các ngành tài chính – ngân hàng, sản xuất, bán lẻ, logistics. Tập đoàn này tự tin là DN tiên phong có đầy đủ cả hạ tầng và các ứng dụng về AI ở VN và trên thế giới. Trong tương lai, FPT sẽ tập trung chiếc lược phát triển bám chắc vào 5 từ khóa AI – BÁN – XE – SỐ – XANH (AI, Bán dẫn, Công nghệ ô tô, Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh). Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ, trong đại dịch, một DN Mỹ trong lĩnh vực vận tải đã lựa chọn FPT trong số 200 nhà cung cấp phần mềm với lý do FPT ứng dụng AI từ triển khai đến bảo trì, nhờ đó tiết kiệm được chi phí. FPT cũng hợp tác với một nhà sản xuất lớn ở Bắc Mỹ để áp dụng VisionAI nhằm đạt độ chính xác kiểm tra 99% và giảm thời gian kiểm tra chất lượng từ 3 phút xuống 3 giây. Chủ tịch FPT khẳng định, cần thúc đẩy phát triển AI càng nhanh càng tốt vì tốc độ là yếu tố quyết định.

Việt Nam tiến vào kỷ nguyên AI- Ảnh 7.

FPT đặt cược vào chiến lược phát triển AI

Trung tâm Viettel AI (thuộc Tập đoàn Viettel) trong Hội nghị Châu Âu về AI 2024 tổ chức tại Tây Ban Nha tháng 10 vừa qua cũng đã công bố giải pháp nhận diện, trích xuất thông tin từ bảng biểu trong thời gian thực với tốc độ nhanh gấp 4 lần so với các giải pháp hiện có trên thế giới. Trước đó, 2 sản phẩm là chipset 5G và trợ lý ảo Vi An – Human AI cũng do các kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn đã được giới thiệu tại Hội nghị Di động thế giới (Mobile World Congress) 2024 diễn ra vào đầu năm nay. Chip 5G DFE do các kỹ sư Viettel làm chủ toàn trình về thiết kế có khả năng tính toán 1.000 tỉ phép tính trên giây, đáp ứng tiêu chuẩn chung về 5G của Hiệp hội các tổ chức phát triển giao thức cho viễn thông di động, tương đương chip 5G của top 10 công ty bán dẫn trên thế giới. Trong khi đó, Vi An – Human AI đầu tiên của VN tạo ra cách thức tương tác mới, trò chuyện với khách hàng thân thiện và tự nhiên…

Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội internet VN, nhận định các sản phẩm, dịch vụ về AI của các tập đoàn công nghệ VN đã tiến nhanh. Các DN trong nước luôn chủ động, xông xáo, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin nói chung hay AI nói riêng. Đây chính là cơ hội lớn để cho DN bứt phá cũng như động lực phát triển cho kinh tế cả nước. “Đối với những lĩnh vực công nghệ trước đây thường VN có thể hơi thiếu tự tin vì đi sau, nhưng với công nghệ thông tin nói chung và AI nói riêng thì tiềm năng và cơ hội của chúng ta rất lớn. Nguồn nhân lực của VN thông minh, ham học hỏi nên có điều kiện để phát triển trong lĩnh vực AI một cách nhanh nhất, không sợ đi sau thế giới”, ông Liên chia sẻ thêm.

Việt Nam tiến vào kỷ nguyên AI- Ảnh 8.
Việt Nam tiến vào kỷ nguyên AI- Ảnh 9.

Cuối năm 2023, trong bài viết về triển vọng phát triển lĩnh vực AI của VN, Tạp chí Forbes (Mỹ) nhận định, VN có những kế hoạch đầy tham vọng để dẫn đầu về AI và hy vọng sẽ nằm trong 4 quốc gia hàng đầu ở châu Á về tiến bộ AI. Tạp chí này dẫn nguồn báo cáo của Trung tâm nghiên cứu phát triển quốc tế tại Canada và Oxford của Anh xếp VN ở vị trí thứ 6 trong ASEAN và thứ 62 trên thế giới về Chỉ số sẵn sàng cho AI của Chính phủ năm 2021. Đây là lần đầu tiên Điểm sẵn sàng cho AI của VN đạt 51,82/100, vượt qua mức trung bình toàn cầu là 47,72 và giúp VN tăng 14 bậc so với năm trước đó. Ở góc độ vĩ mô, đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, đặt mục tiêu đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của VN và đến năm 2030, VN trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN.

Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo, Đại học Kinh tế TP.HCM, AI là lĩnh vực phần mềm, bản chất là nền kinh tế tri thức nên VN hoàn toàn có lợi thế để phát triển, khác với việc phát triển chip hay phần cứng vốn thuộc về ưu thế của các tập đoàn nước ngoài. Nguồn nhân lực VN luôn được đánh giá cao trong lĩnh vực thiên về trí tuệ, bao gồm lập trình, viết code. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đều theo hướng “may đo”. Chẳng hạn ai cũng biết ChatGPT nhưng không thể bê nguyên xi trợ lý AI này về ứng dụng cho các sản phẩm, dịch vụ của người Việt mà phải có những trợ lý ảo khác phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của người Việt. Vì thế, ngoài tính sáng tạo, quyết tâm của các DN thì theo ông Nghĩa, vẫn cần có cơ chế khuyến khích phát triển cụ thể hơn bởi hành lang pháp lý về AI ở nhiều lĩnh vực chưa có.

Việt Nam tiến vào kỷ nguyên AI- Ảnh 10.

Học sinh THCS Huỳnh Khương Ninh được học về robot và AI trong giờ học môn công nghệ

“Kỷ nguyên AI được xem là kỷ nguyên mới và hiện nay chỉ mới ở giai đoạn bình minh. Nhiều nước đã có những bước đi táo bạo để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. VN cần xem xét để có những chính sách khuyến khích đột phá hơn và thực hiện nhanh hơn để không bị tụt lại phía sau”, ông Huỳnh Phước Nghĩa nói.

Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Liên cho rằng hiện nay ứng dụng AI tại VN chủ yếu vẫn mới dừng ở những dịch vụ tương tác giữa DN với khách hàng hay tương tác trong nội bộ. Còn rất nhiều ứng dụng tham gia sâu hơn vào quá trình quản trị, giúp DN đưa ra những chính sách để tối ưu hiệu quả hoạt động, thậm chí tiến tới việc thiết kế mô hình hoạt động mới. Bản thân các cá nhân, DN nhận chuyển giao công nghệ AI cũng phải chủ động cập nhật, làm giàu nguồn dữ liệu giúp cho sản phẩm AI hoàn thiện phù hợp với đặc điểm riêng của đơn vị mình. Chính phủ cần có chính sách thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm AI ngay trong bộ máy các bộ, ngành và địa phương. Đồng thời tạo động lực cho ngành phát triển như kết nối cung – cầu trong nước lẫn quốc tế để giúp các DN mở rộng và khai thác thị trường. Ông Liên nhấn mạnh: Với những nước đang phát triển như VN thì đây sẽ là cơ hội mới để tăng tốc trong nền kinh tế số nói chung khi những sản phẩm truyền thống không dễ cạnh tranh được với thế giới. Bởi VN có nguồn nhân lực liên quan AI có năng lực; nguồn vốn đầu tư không quá lớn so với những lĩnh vực khác và việc chuyển giao công nghệ hoàn toàn khả thi. Đối với riêng lĩnh vực AI vẫn cần có những động lực mạnh hơn để thúc đẩy DN phát triển nhanh. Trong đó cố gắng giảm tối đa việc kiểm soát trong môi trường pháp lý để tạo điều kiện cho DN sáng tạo.

Việt Nam tiến vào kỷ nguyên AI- Ảnh 11.

Nguồn