Xuất hiện chất ma túy mới, ‘chỉ một lượng nhỏ bằng đầu tăm cũng gây chết người’
Chiều 13.11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Theo đề xuất, chương trình có tổng vốn thực hiện hơn 22.450 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách T.Ư hơn 17.725 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 4.674 tỉ đồng và vốn huy động hợp pháp khác dự kiến 50 tỉ đồng.
Ma túy mới đang có xu hướng lan rộng
Cho ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Tiến Nam (đoàn Quảng Bình), Viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, bày tỏ sự tán thành về việc cần thiết trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030.
Theo ông Nam, ma túy đang là vấn đề toàn cầu, là nguyên nhân phát sinh, phát triển của tội phạm, là vấn nạn của toàn xã hội, đặc biệt ma túy hiện nay đang len lỏi vào học đường. “Nếu chúng ta không quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn thì thế hệ tương lai sẽ chịu hậu quả rất nặng nề”, ông Nam khuyến cáo.
Vị đại biểu dẫn số liệu thống kê trong công tác giám định chất ma túy của lực lượng công an trong 4 năm gần đây cho thấy số vụ việc đều tăng bình quân khoảng 8% mỗi năm. Năm 2021 là 29.303 vụ, 10 tháng năm 2024 là 30.773 vụ.
Qua công tác khám, giám định chất ma túy, hàng năm đều phát hiện các chất ma túy mới, nhiều chất chưa nằm trong danh mục các chất ma túy và tiền chất.
Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, lực lượng chức năng phát hiện 18 chất ma túy mới, đang có xu hướng lan rộng trên thế giới, mà gần đây là ma túy nhóm phetamine.
Ông Nam cho hay, đây là chất ma túy cực độc, khi tiếp xúc chỉ một lượng rất nhỏ bằng đầu tăm khoảng 20 mg có thể gây chết người, tỷ lệ tử vong cao gấp trăm lần so với sử dụng heroin.
Nguy hiểm hơn, nhóm chất này không màu, không mùi nên trong công tác phòng, chống ma túy rất khó phát hiện được bằng mắt thường hoặc test thử thông thường, mà phải dùng các thiết bị phân tích chuyên dụng hiện đại, có độ nhạy cao mới phát hiện được.
Chưa kể, người dùng cũng khó phát hiện do không biết hàm lượng, liều lượng bao nhiêu nên dễ tử vong.
Cùng với sự xuất hiện của các loại ma túy mới như đã nêu, phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Điển hình như núp bóng ma túy dưới các loại thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử; mua bán ma túy trên các sàn giao dịch điện tử, sử dụng thiết bị bay không người lái…
Thực tế trên cho thấy việc xây dựng, ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy là yêu cầu cấp bách của thực tiễn, theo ông Nam.
22.450 tỉ đồng còn “hơi thấp”?
Đi vào nội dung cụ thể của dự thảo, đại biểu Nguyễn Tiến Nam cho rằng tổng số vốn đầu tư 22.450 tỉ đồng dành cho chương trình “là hơi thấp”. Ông Nam đề nghị nguồn ngân sách T.Ư, nhất là kinh phí cho các dự án, tiểu dự án cần phải tăng thêm.
Không chỉ ông Nam, nhiều đại biểu cho ý kiến thảo luận cũng có chung băn khoăn số vốn như đề xuất liệu có đủ để đạt được các mục tiêu mà chương trình đề ra.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nói, kinh phí dành cho 9 dự án theo tờ trình của Chính phủ là “quá khiêm tốn”. Ông Mai dẫn chứng nguồn vốn cho dự án tăng cường đáp ứng y tế dự phòng trong phòng, chống ma túy là 427 tỉ đồng, con số này “chưa tương xứng với tầm quan trọng nhiệm vụ và nội dung hoạt động của dự án”.
Giải trình về nội dung trên, đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để rà soát, tính toán từng nội dung, từng nhiệm vụ, tập trung đề xuất bố trí nguồn lực để giải quyết những vấn đề cấp bách, những vấn đề trước mắt. Nguyên tắc là đảm bảo sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, tránh dàn trải.
Vẫn theo Bộ trưởng Bộ Công an, để đảm bảo tính linh hoạt trong việc huy động và bố trí nguồn lực thực hiện chương trình, trong quá trình điều hành, các cơ quan được giao thực hiện những đề án, thực hiện những nhiệm vụ trong chương trình này sẽ tham mưu cho Chính phủ và sẽ tiếp tục cân đối ngân sách T.Ư để phù hợp với điều kiện thực tế, sẽ báo cáo với Quốc hội ưu tiên hỗ trợ thêm nhằm đảm bảo tính bền vững, hiệu quả của chương trình.
Về nguyên tắc phân bổ vốn, đại tướng Lương Tam Quang cho hay, những địa phương tự cân đối được ngân sách thì sẽ sử dụng ngân sách địa phương 100%, T.Ư sẽ hỗ trợ 100% các địa phương không tự cân đối được ngân sách. Cùng đó là ưu tiên phân bổ ở các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa để thực hiện chương trình.